HỘI CHỨNG VIÊM GÂN VÙNG CỔ TAY, BÀN NGÓN TAY

Gân là bộ phận nối giữa xương và cơ, giúp truyền lực cho các hoạt động từ cơ đến khớp, xương, gân có vai trò quan trọng trong hoạt động của các khớp.

Viêm bao gân là tình trạng tổn thương gân ở một hoặc nhiều vị trí, viêm bao gân có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào, đặc biệt hay gặp ở các vị trí khớp làm việc nhiều như: Vai, gối, ngón tay, khuỷu tay, gót chân..

Cổ tay là vị trí hay bị viêm bao gân là do đây là vị trí có nhiều gân, hoạt động nhiều động tác phức tạp, các gân bám xương lộ ngay sát bề mặt da nên dễ bị tổn thương.

Viêm bao gân cổ tay là tình trạng viêm bao gân xảy ra ở cổ tay, ảnh hưởng đến các xương, khớp ở vùng cổ tay, gây đau và hạn chế vận động của cổ tay.

Nguyên nhân gây viêm bao gân bao gồm các nguyên nhân cơ học như: Hoạt động quá mức, lặp đi lặp lại ở một vị trí, các cử động sai tư thế hoặc do chơi thể thao, các hoạt động đối kháng.

1. Khám và chẩn đoán lượng giá:

-  Nhìn: sưng nề vùng mỏm trâm quay.

-  Sờ: bao gân cơ duỗi ngắn và dạng dài ngón cái dài dầy lên, có khi co nóng, đỏ, ấn vào đau tăng.

-  Nghe: tiếng “lật bật” ở cổ tay khi cử động ngón tay cái.

-  Vận động: đau tăng vùng mỏm trâm quay, đau có thể lan ra ngón cái và lan lên cẳng tay. Khó nắm chặt tay. Vận động cổ tay và ngón tay cái bị hạn chế.

-  Test đặc hiệu: nghiệm pháp FINKELSTEIN: gấp ngón cái và khép về phía ngón 5 vào trong lòng bàn tay. Người bệnh nắm các ngón tay còn lại trùm lên ngón cái. Uốn cổ tay về phía xương trụ. Nếu bệnh nhân thấy đau chói vùng gân dạng dài và gân duỗi ngắn ngón cái là dấu hiệu dương tính của nghiệm pháp.

2. Phục hồi chức năng:

Mục tiêu điều trị:

-  Giảm đau.

-  Phục hồi các hoạt động chức năng hằng ngày của cổ tay, bàn tay.

-  Dự phòng tái phát.

Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng:

  • Nghỉ ngơi và tập luyện đóng vai trò quan trọng quyết định khỏi bệnh:

-  Giảm hoặc ngừng vận động cổ tay, ngón cái từ 4 đến 6 tuần.

-  Nếu đau sưng nhiều có thể dùng nẹp hoặc băng gia cố cổ tay, ngón cái.

-  Tập luyện:

+ Điều chỉnh các động tác của bàn tay, cổ tay đặc biệt là ngón cái khi làm việc, trong sinh hoạt.

+ Cần loại bỏ những động tác duỗi dạng ngón cái, cổ tay.

+ Tập các bài tập mạnh cơ và kéo giãn các cơ bị ảnh hưởng, cường độ tập đến mức độ căng không gây đau.

  • Điều trị bằng các phương pháp vật lý:

-  Có thể chọn một trong các phương pháp nhiệt sau:

+ Chườm lạnh khi vị trí tổn thương nóng, đỏ.

+ Chườm nóng khi vị trí tổn thương không có biểu hiện nóng, đỏ: hồng ngoại, đắp paraphin hoặc bùn khoáng, từ trường nhiệt, sóng ngắn.

-  Điện phân dẫn thuốc chống viêm giảm đau đặt tại vùng mỏm trâm quay.

-  Siêu âm: có thể sử dụng dòng liên tục hoặc xung, có thể dùng siêu âm dẫn thuốc chống viêm giảm đau dạng mỡ.

-  Kích sốc: 1 tuần/lần

-  Kỹ thuật di động mô mềm.