SANG CHẤN VÀ STRESS SAU SANG CHẤN

Dịch thuật: ThS. BS. Nguyễn Thị Khánh Linh

Xác định sang chấn

Trong tâm lý học, sang chấn là một loại tổn thương về tinh thần xảy ra do một sự kiện đau buồn nghiêm trọng. Sang chấn thường là kết quả của một việc căng thẳng quá mức, vượt quá khả năng đối phó hoặc là tích hợp các cảm xúc của một người với trải nghiệm đó. Một sự kiện đau buồn có thể liên quan đến một trải nghiệm hoặc các sự kiện hoặc các trải nghiệm lặp đi lặp lại theo thời gian.
Các căng thẳng từ các sự kiện sang chấn có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Các tình huống mà một cá nhân tiếp xúc với sang chấn nghiêm trọng thường liên quan đến đe dọa tử vong, thương tích, hoặc bạo lực tình dục có thể dẫn đến sự phát triển của rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Với chứng rối loạn này, sang chấn đã trải qua đủ nghiêm trọng để gây ra phản ứng căng thẳng trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau sự cố ban đầu. Sang chấn lấn át khả năng đối phó về mặt tâm lý của nạn nhân, và những ký ức về sự kiện này kích hoạt các phản ứng lo lắng và căng thẳng về thể chất, bao gồm cả việc phóng thích cortisol. Những người bị PTSD có thể trải qua các hồi tưởng, các cơn hoảng sợ, lo lắng, và tăng cảnh giác (quá chú ý vào các kích thích khiến họ nhớ lại sự việc ban đầu).

Tiêu chí chẩn đoán DSM-5

Để được chẩn đoán mắc PTSD theo DSM-5 (2013), trước tiên một người phải tiếp xúc với một sự kiện đau thương liên quan đến mất sự toàn vẹn về thể chất, hoặc có nguy cơ bị thương nặng hoặc tử vong, đối với bản thân hoặc người khác. Ngoài ra, người đó phải trải qua những lần xâm nhập (liên tục trải nghiệm lại sự kiện thông qua hồi tưởng, những giấc mơ đau buồn, v.v.); né tránh (về các kích thích liên quan đến sang chấn, nói về sang chấn, v.v.); những thay đổi tiêu cực trong nhận thức và tâm trạng (chẳng hạn như giảm khả năng cảm nhận một số cảm xúc nhất định hoặc tự đổ lỗi cho bản thân theo cách méo mó); và các thay đổi về kích thích và phản ứng (chẳng hạn như khó ngủ, các vấn đề về tức giận hoặc tập trung, hành vi liều lĩnh hoặc phản ứng giật mình cao độ). Các triệu chứng này phải kéo dài hơn 1 tháng và dẫn đến sự đau đớn có ý nghĩa lâm sàng hoặc suy giảm nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, chẳng hạn như các mối quan hệ, công việc hoặc các hoạt động hàng ngày khác.

Tài liệu tham khảo:
Frederick J. Stoddard, David M. Benedek, Mohammed R. Milad, and Robert J. Ursano (2018), Trauma- and Stressor-Related Disorders, Oxford University Press, DOI:10.1093/med/9780190457136.001.0001