Nguồn: Tổ chức y tế thế giới (WHO)
Biên dịch: BS. Đặng Nguyễn Ngọc Hải
Duyệt bài: BS. Huỳnh Lê Thái Bão
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết việc giảm đầu tư của tư nhân và thiếu những đổi mới trong việc phát triển các loại thuốc kháng sinh mới đang làm suy yếu các nỗ lực chống lại vi khuẩn kháng thuốc.
Hai báo cáo mới cho thấy quá trình lịch sử phát triển kháng sinh ít mang lại hiệu quả. Trong đó có 60 sản phẩm đang được phát triển (50 loại kháng sinh và 10 loại thuốc sinh học) mang lại rất ít hiệu quả so với các thuốc hiện có và rất ít thuốc đang phát triển nhằm vào vi khuẩn kháng thuốc đáng chú ý (Vi khuẩn Gram âm).
Trong khi các thuốc đang phát triển ở giai đoạn tiền lâm sàng (thử nghiệm ở giai đoạn đầu) có nhiều cải tiến hơn, sẽ mất nhiều thời gian trước khi các loại thuốc mời này đến tay bệnh nhân.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết: “Chưa bao giờ mối đe dọa về kháng kháng sinh lại cấp bách như vậy và nhu cầu giải pháp càng cấp bách hơn”. “Nhiều loại thuốc mới đang được phát triển để giảm tình trạng kháng thuốc, nhưng chúng tôi cũng cần các quốc gia và các công ty trong ngành công nghiệp dược phẩm đẩy mạnh việc đầu tư vào các nghiên cứu về các loại thuốc mới.”
Các báo cáo (sự phát triển của thuốc kháng sinh trong lâm sàng – phân tích quá trình phát triển của thuốc kháng sinh) cũng cho thấy rằng việc nghiên cứu và phát triển thuốc kháng sinh chủ yếu được đầu tư bởi các doanh nghiệp nhỏ hoặc vừa, còn phần lớn các công ty dược phẩm lớn đang tháo chạy khỏi lĩnh vực này.
Tổng quan phát triển lâm sàng
Năm 2017, WHO đã công bố danh sách các tác nhân gây bệnh hàng đầu, 12 nhóm vi khuẩn bao gồm vi khuẩn lao đang gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với sức khỏe con người vì chúng kháng lại hầu hết các phương pháp điều trị hiện có. Danh sách này được phát triển bởi một nhóm chuyên gia độc lập do WHO đứng đầu nhằm khuyến khích cộng đồng nghiên cứu y học phát triển các phương pháp điều trị mới cho các bệnh lý do các vi khuẩn kháng thuốc này.
Trong số 50 loại thuốc kháng sinh đang được phát triển, 32 loại thuốc kháng sinh nhắm vào các tác nhân gây bệnh hàng đầu theo liệt kê của WHO nhưng phần lớn chỉ có lợi ích hạn chế khi so sánh với các loại thuốc kháng sinh hiện có. Hai trong số này hoạt động chống lại vi khuẩn Gram âm đa kháng thuốc, những vi khuẩn này đang lây lan nhanh chóng và cần có các giải pháp khẩn cấp.
Các vi khuẩn Gram âm, chẳng hạn như Klebsiella pneumoniae và Escherichia coli, có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng nặng, thường gây chết người và đe dọa đặc biệt đối với những người có hệ miễn dịch yếu hoặc chưa phát triển đầy đủ bao gồm trẻ sơ sinh, người già, người đang được điều trị bằng phẫu thuật hoặc đang điều trị ung thư.
Báo cáo nhấn mạnh sự việc đáng báo động hiện nay với chủng vi khuẩn mang gen NDM-1 (New Delhi metallo-beta-lactamase 1) có khả năng kháng thuốc cao. Vi khuẩn có gen NDM-1 kháng nhiều loại kháng sinh, bao gồm nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay và là lựa chọn cuối cùng mà con người đang có khi xuất hiện vi khuẩn đa kháng thuốc đó là nhóm carbapenem.
Hanan Balkhy, Trợ lý Tổng giám đốc WHO về Kháng thuốc cho biết: “Điều quan trọng là phải tập trung đầu tư cả công và tư vào việc phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả chống lại vi khuẩn có khả năng kháng thuốc cao vì chúng tôi đang hết các lựa chọn trong việc lựa chọn kháng sinh”. “Và chúng tôi cần đảm bảo rằng một khi chúng tôi có những thuốc điều trị mới, các thuốc này sẽ sẵn có cho tất cả những ai cần.”
Có một số tin vui trong báo cáo, bài báo nhấn mạnh rằng thuốc để điều trị bệnh lao và Clostridium difficile (gây tiêu chảy) có nhiều hứa hẹn hơn, với hơn một nửa số thuốc điều trị đáp ứng tất cả các tiêu chí đổi mới của WHO.
Tổng quan phát triển tiền lâm sàng
Quy trình phát triển thuốc ở giai đoạn tiền lâm sàng cho thấy sự mởi mẻ và đa dạng hơn, với 252 loại thuốc được phát triển để điều trị các nhóm vi khuẩn đáng chú ý mà WHO liệt kê.
Tuy nhiên, những sản phẩm này đang trong giai đoạn phát triển rất sớm và vẫn cần được chứng minh hiệu quả và độ an toàn. Báo cáo chỉ ra rằng viễn cảnh lạc quan là 2 đến 5 sản phẩm đầu tiên sẽ có mặt trên thị trường sau khoảng 10 năm nữa.
WHO và Kháng kháng sinh (AMR)
Chỉ riêng các thuốc điều trị mới sẽ không đủ để chống lại nguy cơ kháng thuốc. WHO đã và đang làm việc với các quốc gia và đối tác để cải thiện công tác phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng và thúc đẩy việc sử dụng thích hợp các loại kháng sinh hiện có và trong tương lai.
Trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, WHO và Tổ chức Thuốc cho các bệnh bị lãng quên DNDi đã thành lập Dự án Hợp tác toàn cầu về nghiên cứu - phát triển thuốc kháng sinh (GARDP), một tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu và phát triển các loại kháng sinh mới và cải tiến các loại thuốc để giải quyết vấn đề vi khuẩn kháng thuốc. Chiến lược của GARDP là cung cấp năm phương pháp điều trị mới vào năm 2025. GARDP đang làm việc với hơn 50 đối tác khu vực cả công và tư nhân ở 20 quốc gia để phát triển và đảm bảo bệnh nhân được tiếp cận với các phương pháp điều trị, thúc đẩy việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm và hợp lý.