TUYẾN YÊN VÀ MỐI LIÊN QUAN VỚI VÙNG DƯỚI ĐỒI

Tuyến yên, là một tuyến nhỏ có đường kính khoảng 1cm và nặng 0,5-1 gam—nằm trong hố yên, một hốc xương nằm ở nền sọ, và được nối với vùng dưới đồi qua cuống yên. Về sinh lý học, tuyến yên có hai phần riêng biệt: thùy trước tuyến yên, hay còn gọi là thùy tuyến, thùy sau tuyến yên, hay còn gọi là thùy thần kinh. Nằm giữa hai thùy là một vùng nhỏ, tương đối vô mạch được gọi là thùy giữa, ít phát triển trên người nhưng có kích thước lớn và mang nhiều chức năng ở một số động vật.

Theo phôi học, hai thùy tuyến yên có nguồn gốc khác nhau—thùy trước từ túi Rathke, là một vùng lõm vào của lớp thượng bì hầu họng, và thùy sau từ một mô thần kinh phát triển ra từ vùng dưới đồi. Nguồn gốc thùy trước tuyến yên từ biểu mô hầu họng giải thích cho bản chất biểu mô của những tế bào vùng này, và nguồn gốc thùy sau từ mô thần kinh giải thích vì sao có sự hiện diện một lượng rất lớn tế bào thần kinh đệm tại thùy này. Có 6 hormone peptid quan trọng và vài hormone khác ít quan trọng hơn được tiết ra từ thùy trước tuyến yên, và có 2 hormone peptid quan trọng được tiết ra từ thùy sau. Những hormone thùy trước đảm nhiệm những vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa toàn cơ thể.

- Hormone tăng trưởng (GH) ảnh hưởng đến sự phát triển toàn bộ cơ thể qua điều khiển sự tổng hợp protein, và phân chia tế bào.

- ACTH (corticotropin) điều khiển sự bài tiết một số hormone vỏ thượng thận, gây ảnh hưởng đến chuyển hóa glucose, protein, và mỡ.

- Hormone kích thích tuyến giáp (TSH) (thyrotropin) điều khiển mức độ bài tiết của T3 và T4 ở tuyến giáp, và những hormone này ảnh hưởng đến hầu hết tốc độ các phản ứng hóa học trong cơ thể.

- Prolactin điều khiển tuyến vú phát triển và bài tiết sữa.

- Hai hormone điều hòa tuyến sinh dục, hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone hoàng thể (LH), điều khiển sự phát triển của buồng trứng và tinh hoàn, cũng như các hoạt động nội tiết và sinh sản.

-  Hai hormone thùy sau tuyến yên lại thực hiện các chức năng khác:

+ Hormone chống bài niệu (vasopressin) điều khiển mức độ bài tiết nước vào nước tiểu, do đó giúp điều chỉnh nồng độ nước trong các dịch cơ thể.

+ Oxytocin giúp bài xuất sữa từ tuyến vú ra núm vú trong giai đoạn cho con bú và có tác dụng trong quá tình chuyển dạ vào cuối thai kì.

Thùy trước tuyến yên có các loại tế bào tiết khác nhau tổng hợp và bài tiết các hormone. Thông thường, chỉ có một loại tế bào tiết ra một hormone chính ở thùy trước tuyến yên. Trong một số trường hợp đặc biệt có một số kháng thể đặc hiệu gắn vào những hormone đặc biệt, ít nhất có 5 loại tế bào đã được phát hiện. Các loại tế bào, các hormone chúng tiết ra, và chức năng sinh lý của chúng. 5 loại tế bào gồm:

1. Somatotropes—hormone tăng trường (GH)

2. Corticotropes—kích thích tủy thượng thận (ACTH)

3. Thyrotropes—kích thích tuyến giáp (TSH)

4. Gonadotropes—kích thích tuyến sinh dục, gồm LH và FSH.

5. Lactotropes—prolactin (PRL)

Có khoảng 30- 40% các tế bào tuyến yên trước là loại somatotropes tiết ra hormone GH, và khoảng 20% là loại corticotropes tiết ACTH. Các loại còn lại chiếm chỉ khoảng 3 to 5 % tổng số tế bào; tuy nhiên, chúng tiết ra những hormone rất mạnh fđể điều khiển chức năng tuyến giáp, chức năng sinh dục, và tiết sữa ở vú.

Somatotropes đổi màu mạnh trong môi trường acid và do đó còn được gọi là acidophils. Do đó, các khối u tuyến yên tiết một lượng lớn GH được gọi là các u acidophils.

Các hormone tuyến yên sau được tổng hợp tại các thân tế bào trên vùng dưới đồi. Thân các tế bào tiết ra những hormone tuyến yên sau không nằm trong tuyến yên mà là những neuron lớn, gọi là magnocellular neurons, nằm ở vùng trên giao thoa thị và các nhân cận giao thoa thị giác ở vùng dưới đồi. Các hormone sau đó được vận chuyển qua sợi trục đi từ vùng dưới đồi đến thùy sau tuyến yên. Cơ chế này sẽ được giải thích sau.

Hầu hết tất cả sự bài tiết của tuyến yên được điều khiển bởi các tín hiệu nội tiết hoặc thần kinh từ vùng dưới đồi. Thực tế, khi tuyến yên được lấy bỏ khỏi vị trí của nó bên dưới vùng dưới đồi và ghép và một vị trí khác của cơ thể, độ bài tiết các hormone (trừ prolactin) giảm xuống tới một mức rất thấp.

Sự bài tiết ở tuyến yên sau được điều khiển bởi các tín hiệu thần kinh từ vùng dưới đồi và kết thúc ở tuyến yên sau. Ngược lại, sự bài tiết ở tuyến yên trước được điều khiển bởi các hormone kích thích và hormone (yếu tố) ức chế tiết ra tại vùng dưới đồi và sau đó gây tác dụng đi tới tuyến yên trước qua các mạch máu nhỏ gọi là hệ mạch cửa dưới đồi- yên. Tại tuyến yên trước, các hormone kích thích và ức chế tác động lên các tế bào tuyến để điều khiển sự bài tiết của chúng. Cơ chế này sẽ được mô tả ở phần tiếp theo.

Vùng dưới đồi nhận được nhiều tín hiệu truyền từ nhiều vùng trong hệ thần kinh. Do đó, khi một người bị đau, một lượng lớn tín hiệu đau sẽ được chuyển lên vùng dưới đồi. Tương tự, khi người ta cảm thấy cực kì buồn chán hoặc phấn khích, một lượng lớn tín hiệu sẽ được chuyển lên vùng dưới đồi. Sự kích thích của các mùi dễ chịu hay khó chịu tạo ra một tín hiệu mạnh đi trực tiếp và đi qua nhân hạnh nhân vào vùng dưới đồi. Ngay cả nồng độ các chất dinh dưỡng, điện, nước và một số hormone trong máu cũng kích thích hoặc ức chế một số phần của vùng dưới đồi.

Do đó, vùng dưới đồi là một trung tâm thu nhận thông tin liên quan đến các trạng thái của cơ thể, và những tín hiệu này được dùng để điều khiển sự bài tiết các hormone có tác dụng toàn thân từ tuyến yên.