Saffron là một phụ gia thực phẩm được sử dụng rộng rãi để tạo màu sắc và mùi vị.
Với bệnh tiểu đường (đái tháo đường), Saffron có thể làm giảm lượng đường trong máu khi bệnh nhân chưa ăn. Tuy nhiên, nó không có hiệu quả trong việc kiểm soát lượng đường trong máu khi sử dụng trong 3 tháng. Các nghiên cứu đến nay vẫn chưa có đủ cơ sở để chứng minh Saffron có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, hỗ trợ chữa bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, saffron được coi là một nguồn tự nhiên của chất chống oxy hóa trong chế độ ăn uống. Chất chống oxy hóa có thể cải thiện chức năng nội mô, giảm kết tập tiểu cầu và có thể tạo ra tác dụng chống viêm. Điều này trở nên quan trọng khi chúng ta biết viêm toàn thân là một yếu tố nguy cơ trong nhiều biến chứng của bệnh tiểu đường. Do đó, có thể sử dụng saffron như một sản phẩm bổ sung giúp hạn chế và ngăn ngừa các biến chứng tiểu đường.
Chưa thấy có nghiên cứu đáng tin cậy nào về tác dụng của saffron đối với chuyển hoá lipid và các chỉ số nhân trắc (chiều cao, cân nặng). Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy tiêu thụ saffron cùng với tập thể dục có thể cải thiện các thông số của bệnh tiểu đường thông qua cơ chế trung gian oxy hóa khử và con đường GLUT4 / AMPK để hấp thụ glucose. Như vậy, dù sử dụng saffron người bệnh vẫn duy trì chế độ luyện tập thể thao và chế độ ăn uống phù hợp để tránh rối loạn mỡ máu và thừa cân béo phì.
Saffron có thể an toàn khi được dùng như một loại thuốc với liều lượng lên đến 100 mg mỗi ngày trong tối đa 26 tuần. Một số tác dụng phụ thường gặp bao gồm buồn ngủ, các vấn đề về dạ dày và buồn nôn hoặc nôn. Các phản ứng dị ứng cũng có thể xảy ra. Uống một lượng lớn saffron có thể không an toàn. Liều cao từ 5 gam trở lên có thể gây ngộ độc. Liều từ 12-20 gam có thể gây chết người.