WHO, FAO kêu gọi ngừng sử dụng kháng sinh quá liều lượng và sai cách
Nguồn: WHO
Biên soạn: BS Nguyễn Đắc Quỳnh Anh
Ở khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, một chiến dịch cam kết đã được phát động từ năm 2017 với chủ đề "Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm cho tương lai: Một khu vực, Một phong trào đấu tranh chống Kháng kháng sinh".
Chiến dịch nhằm kêu gọi sự chung tay hành động và trách nhiệm của cá nhân để chống lại Kháng kháng sinh để bảo vệ chính chúng ta, cộng đồng của chúng ta cũng như các thế hệ tương lai.
Chiến dịch vẫn đang tiếp diễn và đã nhận được hơn 220.000 cam kết trực tuyến từ các quốc gia trong khu vực. WHO và FAO tiếp tục kêu gọi mọi người tham gia cam kết để cùng tạo ra một phong trào khắp trong khu vực với hơn một triệu người cam kết ngừng sử dụng kháng sinh quá liều lượng và sai cách. Mọi người được khuyến khích đăng ký trực tuyến và cam kết để tham gia chiến dịch "Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm cho tương lai: Cuộc đua để đạt được một triệu cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm".
Ngày 2/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam khuyến khích các cá nhân và tổ chức cam kết hành động để bảo vệ sức khỏe con người và động vật bằng cách ngừng việc sử dụng kháng sinh quá liều lượng và sai cách.
Nhiều yếu tố đã đẩy nhanh mối đe dọa của kháng kháng sinh trên toàn cầu bao gồm việc sử dụng kháng sinh quá liều lượng và sai cách ở người, vật nuôi và nông nghiệp, cũng như việc tiếp cận nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân còn kém.
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, TS. Angela Pratt và Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, TS. Rémi Nono Womdim cùng nhấn mạnh những mối hiểm nguy gây ra bởi kháng kháng sinh và kêu gọi hành động từ cộng đồng, nhân viên y tế, người chăn nuôi và các nhà hoạch định chính sách để ngăn ngừa sự xuất hiện và lây lan của các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc.
Theo các chuyên gia, kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn phản ứng với thuốc, làm cho các bệnh nhiễm trùng thông thường khó điều trị hơn và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong.
Kháng sinh được sử dụng để chống lại bệnh tật ở người, động vật và thực vật, bao gồm thuốc kháng vi khuẩn, thuốc kháng virus, thuốc kháng nấm và thuốc chống ký sinh trùng.
“Kháng kháng sinh là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng đối với Việt Nam, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và toàn thế giới. Do kháng kháng sinh là mối đe dọa thực sự đối với sức khỏe cộng đồng và nếu không tăng cường nỗ lực để giải quyết vấn đề này, chúng ta sẽ nhanh chóng tiến tới một thế giới mà những bệnh nhiễm trùng thông thường không thể điều trị được và phẫu thuật thông thường có rủi ro cao vì nguy cơ nhiễm trùng khó kiểm soát hơn nhiều. Đó là một thế giới mà không ai trong chúng ta muốn sống" - TS. Angela Pratt phân tích.
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng sử dụng kháng sinh quá liều lượng và sai cách. Vì vậy hiện tại là thời điểm cần xem xét lại và đưa những nỗ lực của các nước để trở lại đúng hướng để giải quyết vấn đề kháng thuốc.
Để làm điều này, Việt Nam cần thực hiện cách tiếp cận Một sức khỏe - tập hợp các ngành và các bên liên quan lại với nhau trong nỗ lực hợp tác để giải quyết gốc rễ của các vấn đề trong đó có tình trạng kháng kháng sinh.
WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận và hiệu quả của các loại thuốc thiết yếu trong tương lai.
Tuần lễ Nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh toàn cầu (WAAW) là một chiến dịch toàn cầu được tổ chức hàng năm từ cuối tháng 11 hàng năm. Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về kháng kháng sinh và khuyến khích các thực hành tốt nhất trong cộng đồng, các bên liên quan Một sức khỏe và các nhà hoạch định chính sách, những người đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu sự xuất hiện và lan rộng của kháng kháng sinh.