CÁC BÀI TẬP THỤ ĐỘNG THEO TẦM VẬN ĐỘNG CỦA KHỚP
1. Vận động trị liệu là gì?
Trong phục hồi chức năng, các bài tập đóng vai trò hết sức quan trọng. Tập luyện có tác dụng duy trì sức mạnh cơ và sự linh động của cơ và mô mềm, giúp đề phòng cứng khớp. Nó còn có tác dụng ngăn ngừa biến chứng tắc mạch do huyết khối ở chi dưới, hoặc hạn chế nguy cơ nhiễm trùng... Do vậy, giúp người bệnh vận động sớm, duy trì vận động có thể hạn chế được nhiều bệnh lý và sớm hồi phục sức khoẻ.
Bài tập vận động có thể thực hiện được bằng nhiều hình thức:
- Do người khác tập cho người bệnh: còn gọi là tập thụ động.
- Do bản thân người bệnh tự tập: tập chủ động.
- Thông thường bài tập được thực hiện trong tầm vận động của khớp. Nên thường có dạng bài tập:
+ Tập thụ động theo tầm vận động khớp, hoặc
+ Tập chủ động theo tầm vận động khớp.
+ Một số dạng bài tập khác nữa như: tập có kháng trở, tập kéo giãn...
2. Bài tập thụ động theo tầm vận động khớp
Nguyên tắc tập là phải tập lần lượt: từ khớp gần tới khớp xa.
Mỗi khớp có tầm vận động riêng, chẳng hạn khuỷu tay có thể gập và duỗi; vai có thể gập duỗi, dạng hoặc khép, hoặc xoay. Tầm vận động của khớp là những phạm vi mà khớp có thể cử động trong đó. Khi không bị tổn thương, khớp có thể cử động được hết tầm của nó. Ngược lại, viêm khớp hoặc chấn thương có thể gây đau, và làm khớp bị giảm tầm vận động.
- Cử động dạng - khép: dạng là cử động đi ra xa khỏi cơ thể, khép là lại gần cơ thể
Ví dụ: dạng vai
- Cử động gập - duỗi: gập là cử động về phía trước của cơ thể, duỗi - ra phía sau của cơ thể. Ví dụ: gập vai
Các bài tập thụ động theo tầm vận động khớp:
− Bài tập 1a: Vận động khớp nhỏ ở bàn tay
− Bài tập 2a: Vận động khớp cổ tay
− Bài tập 3a: Gập - Duỗi khuỷu tay
Người bệnh nằm, tay để dọc thân. Một tay giữ cánh tay, tay kia cầm cẳng tay họ; gập rồi duỗi thẳng khuỷu tay người bệnh hết tầm.
− Bài tập số 4a: Gập và Duỗi vai
− Bài tập số 5a: Dạng - khép vai
Người bệnh nằm ngửa, tay dọc thân mình;
Một tay giữ vai, tay kia cầm cẳng tay họ, đưa ra ngoài và lên phía đầu, rồi về vị trí cũ.
− Bài tập số 6a: Gập háng
Người bệnh nằm ngửa; người tập hai tay giữ đùi và cẳng chân họ, gập tối đa khớp háng để gối duỗi; rồi trở lại vị trí ban đầu.
Có thể làm cử động này với gối gập và háng gập tối đa
− Bài tập số 7a: Dạng và khép háng
Người bệnh nằm ngửa, hai tay giữ đùi và cẳng chân họ, đưa chân họ ra xa khỏi thân rồi đặt trả lại vị trí ban đầu.
− Bài tập số 8a: Gập (a) và Duỗi (b) gối
Người bệnh nằm sấp. Một tay giữ trên gối, tay kia gập gối họ hết tầm; sau đó đặt cẳng chân họ về vị trí ban đầu.
− Bài tập số 9a: Gập (a) và Duỗi (b) cổ chân
Người bệnh ngồi hoặc nằm ngửa; một tay giữ cổ chân, tay kia tỳ bàn chân họ như hình vẽ, gập hết tầm về phía mu chân rồi trả lại vị trí ban đầu.
− Bài tập số 10a: Gập cột sống
Người bệnh ngồi, chân duỗi; cúi gập người tối đa về phía trước; sau đó trở về tư thế ban đầu.
− Bài tập 11a: Duỗi cột sống
Đứng chống tay vào hông ưỡn ra sau. Hoặc nằm sấp chống tay người ưỡn cao, khuỷu tay duỗi; sau đó trở lại vị trí ban đầu.
− Bài tập 12a: Nghiêng hai bên
Người bệnh ngồi hoặc đứng; chống hai tay cạnh sườn; lần lượt nghiêng người sang hai bên, trái và phải.