(+84) 236.3827111 ex. 402

Dịch tễ học bệnh sởi và các loại vaccine phòng sởi


Trên thế giới, năm 2024, tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Trong 5 năm qua, dịch sởi đã bùng phát ở 103 quốc gia, nguyên nhân chính là do tỷ lệ tiêm vaccine thấp (80% hoặc ít hơn). Từ đầu năm 2025 đến nay, Việt Nam ghi nhận khoảng 40.000 ca nghi sởi, 5 ca tử vong liên quan đến sởi. 

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra, thuộc họ Paramyxoviridae. Bệnh có khả năng lây lan rất mạnh và thường gặp ở trẻ em. Bệnh thường tiến triển qua các giai đoạn với những triệu chứng đặc trưng như sau:

1. Giai đoạn ủ bệnh:

Thời gian: Kéo dài từ 7 đến 14 ngày sau khi nhiễm virus.

Triệu chứng: Trong giai đoạn này, bệnh thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. 

2. Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long):

Thời gian: Kéo dài từ 2 đến 4 ngày.

Triệu chứng:

Sốt: Bắt đầu với sốt nhẹ đến trung bình, sau đó có thể tăng cao.

Triệu chứng hô hấp: Ho khan, sổ mũi, đau họng.

Viêm kết mạc: Mắt đỏ, có thể nhạy cảm với ánh sáng.

Đốm Koplik: Xuất hiện các đốm trắng nhỏ, xung quanh có viền đỏ bên trong niêm mạc miệng, thường đối diện với răng hàm trên thứ nhất và thứ hai. Đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi. 

3. Giai đoạn phát ban:

Thời gian: Thường bắt đầu từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi xuất hiện các triệu chứng ban đầu.

Triệu chứng:

Phát ban: Ban đỏ dạng sẩn, mịn như nhung, xuất hiện theo trình tự từ sau tai, trán, mặt, cổ, sau đó lan xuống thân mình và cuối cùng là tay chân. Ban thường mọc dày đặc, có thể kèm theo ngứa nhẹ.

Sốt cao: Trong giai đoạn này, nhiệt độ cơ thể có thể tăng cao hơn, kèm theo mệt mỏi và chán ăn.

4. Giai đoạn hồi phục (giai đoạn ban bay):

Thời gian: Khoảng 3 đến 5 ngày sau khi ban xuất hiện.

Triệu chứng:

Ban bay: Ban bắt đầu mờ dần theo thứ tự xuất hiện, để lại các vết thâm trên da (vết rằn da hổ) và có thể bong tróc nhẹ.

Giảm triệu chứng: Sốt giảm, các triệu chứng hô hấp và viêm kết mạc cũng dần biến mất.

Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong. Bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng. 

Việc tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh sởi.

Các loại vắc-xin phòng sởi hiện nay được tiêm chủng tại Việt Nam:

Vắc-xin sởi đơn giá (MVVAC): Được sản xuất tại Việt Nam, vắc-xin này phòng ngừa bệnh sởi và thường được tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên, tiêm nhắc mũi 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi.

Vắc-xin phối hợp sởi – rubella (MR): Cũng được sản xuất trong nước, vắc-xin này giúp phòng ngừa đồng thời hai bệnh sởi và rubella. Trong chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia, lịch tiêm phòng khuyến nghị như sau:

Mũi 1: Tiêm vắc-xin sởi đơn (MVVAC) lúc 9 tháng tuổi.

Mũi 2: Tiêm vắc-xin sởi – rubella (MR) lúc 18 tháng tuổi. 

Vắc-xin phối hợp sởi – quai bị – rubella (MMR): Đây là vắc-xin dịch vụ, giúp phòng ngừa ba bệnh sởi, quai bị và rubella. Vắc-xin này được tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và có sẵn tại các bệnh viện, trung tâm y tế và hệ thống tiêm phòng dịch vụ. 

(Tổng hợp)