Tác động của đại dịch COVID-19 lên dịch vụ y tế thiết yếu
Để kiềm chế dịch bệnh lây lan, hàng loạt quốc gia đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế và phong tỏa nghiêm ngặt. Điều này làm thay đổi đáng kể cách con người tương tác và tạo ra không ít tranh cãi. Nhóm phản đối phong tỏa cho rằng bản thân biện pháp này đã trở thành một phần của vấn đề khi nó gây ra những tổn thất ngoài dự kiến, đặc biệt về kinh tế. Họ kêu gọi chính phủ các nước nên áp dụng cái mà họ gọi là biện pháp "bảo vệ tập trung" nhằm đạt "miễn dịch cộng đồng".
Biện pháp hướng tới cô lập các nhóm được xác định là có nguy cơ cao nhất trước Covid-19, ví dụ như người già tại viện dưỡng lão hay những người có bệnh lý nền, trong khi vẫn cho phép những nhóm khác tiếp tục cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, nhóm phản đối cho rằng cách tiếp cận trên sẽ chỉ khiến Covid-19 lây lan mất kiểm soát. "Khi nhìn vào Anh hay các nước châu Âu khác, bạn không cần đến một biểu đồ bệnh truyền nhiễm phức tạp mới có thể nhìn thấy rằng dịch bệnh đang tăng gấp đôi quy mô sau mỗi 4 ngày", tiến sĩ Katharina Hauck từ Đại học Hoàng gia London cho hay. "Không mất quá nhiều thời gian để tính ra khi nào các phòng chăm sóc đặc biệt sẽ quá tải và đây là điều mà nhiều mô hình đã cho thấy. Vì thế, tôi nghĩ thực tế trên đã thuyết phục các nhà hoạch định chính sách rằng phong tỏa là biện pháp thay thế duy nhất", bà nhấn mạnh.
Đại dịch Covid-19 tạo ra mối nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe tinh thần con người
Ngoài việc kìm kẹp cuộc sống, thay đổi các mối quan hệ xã hội, Covid-19 còn tác động không nhỏ tới sức khỏe tâm thần của con người.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Oxford đăng trên tạp chí Lancet Psychiatry hồi tháng 11, khoảng 20% bệnh nhân Covid-19 gặp các rối loạn tâm thần sau ba tháng mắc bệnh. Lo âu, trầm cảm, mất ngủ là những tình trạng phổ biến nhất. Nỗi lo sợ bị nhiễm Covid-19 còn làm trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) ở những người đã được chẩn đoán mắc hội chứng này trước đó. Một nghiên cứu của Tạp chí Rối loạn Lo âu, Mỹ, trên 394 cá nhân mắc OCD cho thấy 72% số người tham gia bị gia tăng các triệu chứng giữa cuộc khủng hoảng Covid-19. Virus cũng tạo ra các triệu chứng OCD ở những người bị chẩn đoán mắc những hội chứng lo âu khác hoặc người dễ căng thẳng. Để giải tỏa căng thẳng, nhiều người tìm đến các chất kích thích như ma túy và rượu mạnh. Đây là một hệ lụy khác do Covid-19 gây ra. Tại Mỹ, từ tháng hai đến tháng ba, số đơn thuốc benzodiazepines, một loại thuốc có thể gây nghiện dùng để trị chứng lo âu, hồi hộp, đã tăng 34%.