Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo sự chững lại trong tiến bộ y tế toàn cầu trong báo cáo thống kê mới năm 2025
Tổ
chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố Báo cáo Thống kê Y tế Thế giới năm 2025, hé
lộ những tác động sâu rộng của đại dịch COVID-19 đối với sinh mạng, tuổi thọ và
sức khỏe toàn diện. Chỉ trong hai năm, từ 2019 đến 2021, tuổi thọ trung bình
toàn cầu đã giảm 1,8 năm - mức giảm lớn nhất trong lịch sử gần đây - làm đảo
ngược một thập kỷ tiến bộ y tế. Tình trạng lo âu và trầm cảm gia tăng liên quan
đến COVID-19 cũng khiến tuổi thọ sống khỏe toàn cầu giảm 6 tuần - xóa bỏ phần lớn
lợi ích từ việc giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm (NCDs) trong
cùng kỳ.
Báo
cáo cũng tóm tắt dữ liệu toàn cầu về tiến trình đạt được các mục tiêu “ba tỷ” của
WHO, phản ánh không chỉ cú sốc do đại dịch mà còn xu hướng tiến bộ chậm lại từ
trước đó, và sự phục hồi chậm chạp sau đó. WHO cảnh báo rằng tiến bộ tổng thể
đang bị đe dọa và cần có hành động toàn cầu khẩn cấp để đưa quá trình quay trở
lại đúng hướng.
“Đằng
sau mỗi con số là một con người - một đứa trẻ không sống tới sinh nhật lần thứ
năm, một người mẹ qua đời khi sinh con, một mạng sống bị cắt ngắn bởi bệnh tật
có thể phòng ngừa,” Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus phát
biểu. “Đây là những bi kịch có thể tránh được. Chúng phản ánh những lỗ hổng
nghiêm trọng trong khả năng tiếp cận, bảo vệ và đầu tư - đặc biệt là đối với phụ
nữ và trẻ em gái. Tiến bộ y tế đang chững lại. Mọi chính phủ đều có trách nhiệm
hành động với sự khẩn trương, cam kết và trách nhiệm giải trình trước người
dân.”
Tiến
bộ và những bước lùi trong y tế
Báo
cáo Thống kê Y tế Thế giới năm 2025 ghi nhận những tiến bộ đan xen trong việc đạt
các mục tiêu “Ba tỷ” của WHO. Ước tính có thêm 1,4 tỷ người sống khỏe mạnh hơn
vào cuối năm 2024, vượt mục tiêu 1 tỷ người. Tiến bộ này nhờ vào giảm sử dụng
thuốc lá, cải thiện chất lượng không khí và tăng khả năng tiếp cận nước sạch, vệ
sinh và môi trường sống. Tuy nhiên, tiến trình mở rộng tiếp cận các dịch vụ y tế
thiết yếu và bảo vệ khỏi các tình trạng khẩn cấp vẫn còn chậm; chỉ có thêm 431
triệu người tiếp cận được dịch vụ y tế thiết yếu mà không gặp khó khăn tài
chính, và gần 637 triệu người được bảo vệ tốt hơn khỏi các tình trạng khẩn cấp
về y tế.
Tỷ lệ
tử vong ở mẹ và trẻ em không giảm đủ nhanh để đạt được các mục tiêu toàn cầu.
Tiến trình đang bị đình trệ, đe dọa đến sinh mạng của hàng triệu người. Sự chậm
lại này diễn ra sau hai thập kỷ đạt được những thành tựu đáng kể: từ năm 2000 đến
2023, tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm hơn 40% và tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi giảm
hơn một nửa. Tuy nhiên, sự thiếu đầu tư vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, thiếu
nhân viên y tế có kỹ năng, và lỗ hổng trong các dịch vụ như tiêm chủng và sinh
đẻ an toàn đang là rào cản với nhiều quốc gia.
Nếu
không có sự điều chỉnh khẩn cấp để đạt được các mục tiêu năm 2030, thế giới có
nguy cơ bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn thêm 700.000 ca tử vong ở bà mẹ và 8 triệu ca tử
vong ở trẻ dưới 5 tuổi từ 2024 đến 2030.
Bệnh
mạn tính gây thiệt hại nhiều hơn đến sinh mạng
Tử
vong sớm do các bệnh không lây nhiễm - như tim mạch, đột quỵ, tiểu đường và ung
thư - đang gia tăng, chủ yếu do dân số tăng và già hóa, và hiện là nguyên nhân
chính gây tử vong ở những người dưới 70 tuổi trên toàn thế giới. Hiện nay, thế
giới chưa đạt được tiến độ cần thiết để giảm một phần ba tỷ lệ tử vong sớm do
các bệnh không lây nhiễm vào năm 2030. Tuy nhiên, tiến bộ vẫn có thể đạt được nếu
chính phủ và xã hội dân sự cam kết hành động: tỷ lệ sử dụng thuốc lá đang giảm,
và tiêu thụ rượu toàn cầu đã giảm từ 5,7 lít xuống 5,0 lít mỗi người từ năm
2010 đến 2022. Ô nhiễm không khí vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu
gây tử vong có thể phòng ngừa trên toàn cầu. Các vấn đề sức khỏe tâm thần tiếp
tục là rào cản lớn đối với tiến bộ.
Việc
phục hồi các dịch vụ y tế thiết yếu vẫn chưa hoàn tất. Dự báo đến năm 2030, thế
giới sẽ thiếu hụt 11,1 triệu nhân viên y tế, trong đó gần 70% thiếu hụt tập
trung ở khu vực châu Phi và Đông Địa Trung Hải theo phân vùng của WHO.
“Hệ
thống y tế vững mạnh cần dựa trên dữ liệu y tế mạnh mẽ. Dữ liệu đáng tin cậy và
kịp thời giúp ra quyết định tốt hơn và đạt kết quả nhanh hơn,” Tiến sĩ Haidong
Wang, Trưởng đơn vị Dữ liệu và Phân tích Y tế WHO cho biết. “WHO đang hỗ trợ
các quốc gia thông qua chiến lược SCORE để củng cố hệ thống thông tin y tế,
cũng như qua Trung tâm Dữ liệu Y tế Thế giới nhằm tiêu chuẩn hóa, cải thiện và
phát huy giá trị của dữ liệu trên toàn hệ thống và các quốc gia.”
Tiến
độ không đồng đều trong phòng chống bệnh truyền nhiễm
Tỷ lệ
mắc HIV và lao đang giảm, và số người cần điều trị các bệnh nhiệt đới bị lãng
quên cũng giảm. Tuy nhiên, số ca sốt rét đã tăng trở lại kể từ năm 2015, và
tình trạng kháng thuốc vẫn là thách thức nghiêm trọng đối với y tế công cộng.
Năm 2023, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em - bao gồm mũi thứ ba vắc xin bạch hầu-ho
gà-uốn ván (DTP3) - vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch. Nhiều quốc gia cũng
đang tụt hậu trong giải quyết các nguy cơ y tế nền tảng - như suy dinh dưỡng, ô
nhiễm không khí và điều kiện sống không an toàn.
Sự
gián đoạn gần đây trong viện trợ quốc tế càng làm gia tăng nguy cơ làm suy yếu
những tiến bộ đã đạt được, đặc biệt ở các quốc gia có nhu cầu chăm sóc sức khỏe
cao nhất. Việc tài trợ bền vững và có thể dự đoán được - từ cả nguồn trong nước
và quốc tế - là vô cùng cấp thiết để bảo vệ những thành quả đã đạt được và đối
phó với các nguy cơ đang gia tăng.
“Báo
cáo này cho thấy thế giới đang không đạt tiêu chuẩn trong 'cuộc kiểm tra sức khỏe'.
Nhưng các quốc gia đã chứng minh rằng tiến bộ nhanh chóng là điều hoàn toàn có
thể,” Tiến sĩ Samira Asma, Phó Tổng Giám đốc WHO phụ trách Dữ liệu, Phân tích
và Hiệu quả cho biết. “Chúng ta hoàn toàn có thể đạt được một thế giới nơi dữ
liệu nhanh hơn và chính xác hơn, các chương trình được cải tiến liên tục, và tử
vong sớm trở nên hiếm gặp. Với tốc độ, quy mô và đầu tư thông minh, mọi quốc
gia đều có thể tạo ra những cải thiện đo lường được.”
Editors’
note: The World health statistics report is WHO’s annual compilation
of the most recent available data on health and health-related indicators. For
inquiries, contact healthstat@who.int
Link bài viết: https://www.who.int/news/item/15-05-2025-who-warns-of-slowing-global-health-gains-in-new-statistics-report