Ảnh hưởng và hậu quả bắt nạt anh chị em ruột

Tổng hợp: BS Nguyễn Thị Khánh Linh

Dấu hiệu bắt nạt anh chị em

Một trong những cách tốt nhất để xác định anh chị em bắt nạt là biết ba thành tố của hành vi bắt nạt. Chúng bao gồm sự mất cân bằng quyền lực, hành động có chủ ý và hành vi lặp đi lặp lại. Nói cách khác, khi anh chị em ruột thường xuyên có hành vi chửi rủa, sỉ nhục, đe dọa, lạm dụng thể chất và các hình thức bắt nạt khác, đây là các dạng bắt nạt anh chị em ruột. Loại hành vi này là không bình thường.

Anh chị em không bao giờ nên trở thành nạn nhân của anh chị em khác. 

Một số người nhầm lẫn giữa sự ganh đua giữa anh chị em ruột với bắt nạt anh chị em ruột. Nhưng có một sự khác biệt. Sự ganh đua giữa anh chị em không nhất thiết bao gồm bất kỳ hành vi gây hấn nào và trong một số trường hợp có thể khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh.

Sự tác động

Bắt nạt giữa anh chị em ruột có thể gây hại cho nạn nhân giống như những người bị bắt nạt ở trường hay khu vui chơi. Trên thực tế, một nghiên cứu cho thấy việc bị anh chị em bắt nạt cũng gây hại như bị bạn bè bắt nạt.  Đôi khi, bắt nạt anh chị em còn tồi tệ hơn nhiều.

Bắt nạt anh chị em không chỉ ảnh hưởng đến lòng tự trọng mà những tổn thương còn ở lại với nạn nhân trong nhiều năm. Khi bắt nạt anh chị em xảy ra, nó sẽ phá vỡ nơi duy nhất mà đứa trẻ được cho là cảm thấy an toàn đó là nhà.

Một số trẻ bị anh chị em bắt nạt phải vật lộn với các vấn đề về mặt cảm xúc trong thời thơ ấu của trẻ. Chẳng hạn, trẻ có thể cảm thấy vô vọng, đơn độc và bị cô lập. Trẻ cũng có thể phải đấu tranh với lo lắng, trầm cảm và các vấn đề về bản thân.

Rồi sau này khi lớn lên, trẻ phải tiếp tục đấu tranh vì tất cả những tủi nhục mà chúng đã trải qua khi còn nhỏ. Những đứa trẻ bị anh chị em bắt nạt cũng có gặp những khó khăn về thể chất và học tập. Chúng không chỉ gặp các vấn đề trong học tập như điểm kém, trượt môn mà còn có thể bị đau đầu, đau dạ dày và các vấn đề về thể chất khác.

Những yếu tố thúc đẩy

Đôi khi cha mẹ đóng một vai trò qua trọng trong việc bắt nạt của anh chị em . Ví dụ, để trẻ đánh nhau liên tục mà không sự can thiệp của cha mẹ sẽ có hại cho cả hai đứa trẻ. "Chiến đấu với nó" không bao giờ là một lựa chọn tốt.

Trẻ em cần giúp học cách giải quyết vấn đề. Nếu chúng không bao giờ được dạy cách làm việc cùng nhau và giải quyết vấn đề, chúng sẽ dùng đến những hành động không lành mạnh để đạt được điều chúng muốn. Trong một số trường hợp, chúng có thể bắt nạt lẫn nhau.

Cha mẹ cũng góp phần vào việc bắt nạt nếu thiên vị hoặc dán nhãn cho con mình là “người thông minh”, “người giỏi thể thao”, “người kịch tính” hoặc thậm chí là “người ít nói”. Những nhãn dán này dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các anh chị em có thể phát triển thành hành vi bắt nạt.

Ngôi nhà được cho là nơi an toàn, nơi mọi người đều được yêu thương và đối xử bình đẳng. Mặc dù sự ghen tị và ganh đua giữa anh chị em là bình thường, nhưng cha mẹ hãy chắc chắn rằng điều đó không nằm ngoài tầm kiểm soát.

Việc kết thúc hành vi

Khi một đứa trẻ có ý định làm hại hoặc làm nhục một đứa trẻ khác, đó là bắt nạt và việc này phải được giải quyết. Đứa trẻ hay bắt nạt cần phải bị kỷ luật và phải đặt ra những ranh giới phù hợp. Cha mẹ lưu ý không phải mọi hành vi bắt nạt anh chị em đều liên quan đến bắt nạt thể xác. Anh chị em thường biểu hiện các hành vi gây hấn và chửi rủa, cả hai hình thức này đều có thể gây hại như bắt nạt thể xác. 

Cha mẹ cần xử lý dứt khoát với anh chị em bắt nạt. Đặt giới hạn và can thiệp nếu cuộc cãi vã bao gồm những nhận xét thô lỗ hoặc chửi rủa.  Yêu cầu con đối xử với anh chị em của chúng một cách tôn trọng. Và nhanh chóng can thiệp nếu những bất đồng trở nên nghiêm trọng. Mục tiêu là mọi người trong gia đình cảm thấy được yêu thương, nuôi dưỡng và đối xử tôn trọng.