Dinh dưỡng mang lại sự khỏe mạnh cho bé yêu

Dinh dưỡng mang lại sự khỏe mạnh cho bé yêu

BS. Nguyễn Thị Khánh Linh – Khoa Y – Trường Đại học Duy Tân

----------------------------------------

Dinh dưỡng cho bé yêu dựa trên các nguyên tắc giống như dinh dưỡng cho người lớn. Mọi người đều cần các loại chất dinh dưỡng giống nhau - chẳng hạn như vitamin, khoáng chất, carbohydrate, protein và chất béo. Tuy nhiên, bé cần lượng chất dinh dưỡng cụ thể khác nhau ở các độ tuổi khác nhau. Sau đây là hướng dẫn cho mẹ cách cung cấp dinh dưỡng cho bé yêu.

Hướng dẫn chung về dinh dưỡng cho bé yêu

-          Cho bé yêu ăn nhiều bữa phụ, thức ăn nhẹ và theo yêu cầu của bé: Mẹ nên hiểu rằng, phần lớn bé sẽ biết nhu cầu của cơ thể bé. Mẹ nên cho bé ăn nhiều bữa nhỏ và cho bé thêm đồ ăn khi bé yêu cầu. Bé sẽ rất đói trong một số ngày và muốn ăn nhiều hơn. Ví dụ, bé sẽ ăn nhiều hơn trong những ngày bé hoạt động nhiều. Bé cũng sẽ ăn nhiều hơn nếu bé trong quá trình phát triển nhanh. Và cũng sẽ có một số ngày bé ăn ít hơn bình thường.

-          Mang lại không khí một bữa ăn nhẹ nhàng và vui vẻ cho bé yêu: Mẹ hãy tắt tivi và cho bé ngồi vào bàn để ăn. Đó là một ý tưởng hay cho bữa ăn chính hay bữa phụ. Bé yêu rất thích ăn những thức ăn mà bố mẹ ăn. Nếu bé yêu của bạn nhìn thấy bạn ăn những thức ăn tốt cho sức khỏe, bé yêu cũng sẽ học cách thích đồ ăn tốt cho sức khỏe.

-          Đừng cung cấp thức ăn như một phần thưởng: Điều này dạy cho bé ăn vì những lý do khác hơn là đói. Mẹ có thể cho bé các phần thưởng khác, như nhãn dán, đồ chơi…

-          Hạn chế thực phẩm giàu chất béo và đường: Những thực phẩm này không cung cấp nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của bé. Thực phẩm giàu chất béo và đường bao gồm snack (khoai tây chiên, kẹo và các loại bánh ngọt), nước ngọt, soda. Nếu bé yêu dùng những thực phẩm này thường xuyên, bé sẽ ăn ít hơn trong bữa ăn. Bé cũng có thể bị thừa cân.

Dinh dưỡng cho bé yêu từ 1 đến 6 tuổi

-         Cho bé bú sữa mẹ hay sữa công thức cho đến khi bé được 2 tuổi, tốt nhất là sữa mẹ. Vào khoảng sáu tháng, mẹ nên chuẩn bị cho bé bắt đầu ăn dặm với các loại thực phẩm như ngũ cốc cho trẻ sơ sinh có chất sắt và các loại trái cây, rau quả và thịt xay nhuyễn. Bởi vì sữa mẹ có thể không cung cấp đủ sắt và kẽm khi trẻ sơ sinh khoảng sáu đến chín tháng tuổi.

-         Đừng cho bé yêu ăn những thực phẩm có thể gây nghẹn hoặc hóc. Những thực phẩm này bao gồm xúc xích, rau sống, kẹo cứng và các loại hạt. Mẹ lưu ý, bé ở tuổi này không có đủ răng có thể nhai và nuốt những thực phẩm này một cách dễ dàng. Những thực phẩm này có thể khiến bé dưới 4 tuổi bị sặc.

-         Hãy kiên nhẫn và để bé yêu học cách tự ăn. Trẻ em từ 1 đến 2 tuổi vẫn đang phát triển kỹ năng ăn uống. Thức ăn có thể rơi vãi trên sàn nhà hoặc trên quần áo của bé. Sẽ mất thời gian để bé học cách sử dụng thìa nên mẹ cần kiên nhẫn luyện tập cho bé. Tránh cho bé sử dụng nĩa cho đến khi bé có thể sử dụng nó mà không làm tổn thương chính mình.

o  

-         Đừng ép bé yêu ăn thức ăn mới nếu bé không muốn. Đối với thức ăn bé không thích mẹ nên cho bé ăn một vài lần sau vài ngày, và để bé quyết định nếu bé muốn ăn thức ăn đó. Bé cần nhìn thấy một loại thực phẩm mới tới 8 hoặc 10 lần trước khi bé sẵn sàng ăn nó.

-         Kén ăn là một hành vi bình thường ở bé dưới 4 tuổi. Bé yêu có thể thích một loại thực phẩm nào đó vào hôm nay nhưng có thể ngay hôm sau bé không thích thực phẩm đó nữa. Bé yêu cũng có thể chỉ ăn 1 hoặc 2 thực phẩm trong cả tuần hoặc lâu hơn. Bé có thể không thích thực phẩm hỗn hợp, hoặc bé có thể không muốn nhiều loại thực phẩm trên cùng một đĩa. Những thói quen ăn uống này đều bình thường. Mẹ hãy tiếp tục đa dạng hóa bữa ăn cho trẻ, cung cấp 2 hoặc 3 loại thực phẩm khác nhau trong mỗi bữa ăn, ngay cả khi bé đang trải qua giai đoạn kén ăn.

-         Có thể cung cấp nước ép từ trái cây cho bé bắt đầu từ 1 tuổi. Mẹ nên cho bé uống nước ép trái cây từ cốc. Đừng bé uống nước trái cây trước khi đi ngủ. Đường từ nước ép trái cây bám lại trên răng của bé qua đêm có thể gây sâu răng. Giới hạn nước ép trái cây ở mức dưới 120ml mỗi ngày cho bé từ 1 đến 3 tuổi. Đối với bé từ 4 đến 6 tuổi, hạn chế nước ép trái cây ở mức dưới 180ml mỗi ngày.

Dinh dưỡng cho bé yêu từ 6 đến 11 tuổi

Dạy bé cách lựa chọn thực phẩm lành mạnh ở trường. Mẹ cần hướng dẫn bé lựa chọn những thực phẩm tốt cho sức khỏe và tránh sử dụng các thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.  

Hãy chắc chắn rằng bé yêu có đủ canxi. Canxi là cần thiết để xây dựng xương chắc khỏe và phát triển chiều cao cho bé. Bé từ 6 đến 8 tuổi cần 800 miligam (mg) canxi mỗi ngày. Bé từ 9 đến 11 tuổi cần 1300 mg mỗi ngày. Để có đủ canxi, mẹ nên cho bé ăn thực phẩm giàu canxi. Nguồn canxi tốt là thực phẩm từ sữa ít béo (sữa, phô mai và sữa chua). Các thực phẩm khác có chứa canxi bao gồm đậu phụ, cải xoăn, rau bina, bông cải xanh, hạnh nhân...

Một số thực phẩm lành mạnh mà mẹ có thể cung cấp cho bé yêu

Cung cấp cho bé nhiều loại thực phẩm từ tất cả các nhóm thực phẩm. Số lượng và kích cỡ khẩu phần mà bé cần từ mỗi nhóm thực phẩm phụ thuộc vào độ tuổi và mức độ hoạt động của bé. Mẹ nên hỏi chuyên gia dinh dưỡng để biết bé nên ăn bao nhiêu từ mỗi nhóm thực phẩm.

-          Một nửa đĩa của bé nên chứa trái cây và rau quả. Cung cấp thêm rau xanh đậm, vàng, đỏ và cam. Các loại rau xanh đậm bao gồm bông cải xanh, rau bina... Ví dụ về rau cam và đỏ là cà rốt, khoai lang, bí đỏ và ớt chuông.

-          Hạn chế nước ép trái cây dưới 240ml mỗi ngày. Cung cấp cho bé trái cây tươi, đóng hộp hoặc khô thay vì nước trái cây thường xuyên nhất có thể. Nước ép trái cây có thể thay thế 1 khẩu phần trái cây mỗi ngày. Lượng nước ép trái cây tăng lên có thể gây tăng cân và sâu răng.

-          Cung cấp ngũ cốc nguyên hạt cho bé mỗi ngày. Một nửa số ngũ cốc bé ăn mỗi ngày nên là ngũ cốc nguyên hạt. Ngũ cốc nguyên hạt bao gồm các loại hạt (hạt không ướp muối) , các loại đậu, lúa mạch…

-          Cung cấp sữa mỗi ngày cho bé. Thực phẩm từ sữa là một nguồn canxi tốt. Thực phẩm từ sữa bao gồm sữa, phô mai và sữa chua.

-          Cung cấp thịt nạc, thịt gia cầm, cá và các thực phẩm protein khác. Các nguồn protein khác bao gồm các loại đậu, thực phẩm đậu nành (như đậu phụ) và bơ đậu phộng (cho trẻ em trên 5 tuổi). 

-          Cung cấp chất béo lành mạnh thay cho chất béo không lành mạnh. Một chất béo lành mạnh là chất béo không bão hòa. Nó được tìm thấy trong các loại thực phẩm như đậu nành, cải dầu, ô liu và dầu hướng dương và cá. Hạn chế chất béo không lành mạnh như chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol. Chúng được tìm thấy trong mỡ động vật.

Nguồn:

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/childrens-health/in-depth/nutrition-for-kids/art-20049335

https://www.healthychildren.org/English/healthy-living/nutrition/Pages/Childhood-Nutrition.aspx

https://www.drugs.com/cg/healthy-living-for-children.html