GIÚP NGƯỜI BỆNH BỊ THẤT NGÔN GIAO TIẾP
1. Khái niệm thất ngôn
Thất ngôn là tình trạng rối loạn hoặc mất ngôn ngữ, hạn chế giao tiếp sau tai biến mạch máu não. Đó là giảm hoặc mất khả năng hiểu lời nói, hiểu chữ viết hoặc khả năng thể hiện bằng lời nói hoặc bằng chữ viết. Thất ngôn chỉ gặp ở người lớn tuổi đã biết nghe nói bình thường, xuất hiện sau khi bị tai biến mạch não, có liệt nửa người bên thuận.
- Có một số dạng thất ngôn cơ bản như sau
- Thất ngôn kém lưu loát: khi người bệnh có thể hiểu nhưng không thể thể hiện, bày tỏ được điều họ muốn nói.
- Thất ngôn lưu loát: khi người bệnh có thể nói một cách lên xuống theo ngữ điệu nhất định nhưng nội dung phát ngôn không rõ, không phải là câu hoàn chỉnh. Họ không thể hiểu câu, từ mà họ nghe thấy.
- Thất ngôn hỗn hợp: khi người bệnh vừa bị hiểu kém vừa nói kém.
- Thất ngôn toàn bộ: khi người bệnh không thể hiểu hoặc không thể nói ra bằng bất kỳ hình thức nào (nói, viết, vẽ hoặc dùng dấu)
- Thất ngôn có thể đi kèm với một số vấn đề sau
- Nói khó: khi cử động nói không nhuần nhuyễn, dễ dàng.
- Mất nhận biết đồ vật, màu sắc, hình khối, chữ viết...
- Quên từ: một loại thất ngôn lưu loát, người bệnh khó tìm từ đúng.
2. Nguyên nhân và đề phòng
Nguyên nhân gây thất ngôn thường do tai biến mạch máu não; do chấn thương sọ não hoặc sau mổ lấy u não. Nhưng không phải tất cả những bệnh nhân này đều bị thất ngôn (chỉ có khoảng 30 - 40 % số họ). Những trường hợp này bị tổn thương vào vùng có chức năng ngôn ngữ.
3. Phát hiện
v Các dấu hiệu và triệu chứng
– Hiểu từ, hiểu phát ngôn hoặc câu kém.
– Không thể chỉ ra các bộ phận cơ thể, đồ vật, hình dạng, màu sắc, chữ cái khi được yêu cầu.
– Không thực hiện được mệnh lệnh; ví dụ: “hãy đưa thìa cho vợ anh, còn bút đưa cho tôi ! ”
– Đọc thầm và làm theo yêu cầu đã ghi trong giấy kém.
Khó khăn về thể hiện bằng lời nói
– Không thể trả lời các câu hỏi đơn giản.
– Không thể nói ra tên các con vật, đồ vật, hành động...
– Viết kém.
4. Đánh giá
- Thử khả năng hiểu của người bệnh
– Hiểu tên các bộ phận cơ thể: bảo họ chỉ vào các bộ phận cơ thể xem có chỉ đúng không. Ví dụ: “tai đâu, mắt đâu, cổ tay đâu?...”
– Hiểu tên đồ vật: bảo họ chỉ vào các đồ vật xung quanh; ví dụ: “đưa cái chìa khoá đây! đưa kính, đưa bút đây!...
– Hiểu mệnh lệnh: yêu cầu họ thực hiện một việc; ví dụ: ”hãy mang cốc nước lại đây!...
– Yêu cầu họ nhắc lại các từ, hoặc một số câu; ví dụ “cái quạt”...; “lá lành đùm lá rách”...
– Để họ trả lời câu hỏi: “là quần áo bằng......; viết bằng......”
– Yêu cầu người bệnh nói tên đồ vật, hành động đang diễn ra xung quanh.
- Yêu cầu họ viết một đoạn về bản thân
5. Can thiệp
v Huấn luyện giao tiếp bệnh nhân bị thất ngôn
- Nếu họ hiểu tốt nhưng chưa nói được nhiều từ
– Dùng tranh, hình vẽ hoặc các đồ vật hàng ngày để dạy.
– Để 3 vật (hoặc 3 tranh), giới thiệu tên từng vật.
– Cất các vật đi rồi đưa từng vật ra hỏi; chỉ vào vật để bệnh nhân nói tên vật, Ví dụ: cái bát...
– Giới thiệu thêm nhiều đồ vật khác, hoặc tranh mô tả hành động để người bệnh nói lại.
– Nếu họ nói tên vật khó, hãy dạy họ dùng dấu hoặc cử chỉ để ra hiệu.
– Dạy họ vừa dùng dấu vừa nói.
- Nếu họ đã nói được các từ đơn
– Dạy họ ghép các từ đơn này thành câu.
– Ghép một danh từ với động từ; ví dụ: “em bé đang... ngồi”.
– Dùng tranh để người bệnh nói theo tranh.
– Để người bệnh kể lại câu chuyện ngắn theo mẫu đã được nghe.
– Dùng dấu, cử chỉ kết hợp với lời nói để nói tên các đồ vật, hành động.
– Để 3 vật trước mặt, yêu cầu họ chỉ đúng vào vật khi nghe tên vật. Nếu họ chỉ sai, dùng dấu để mô tả vật.
– Khi họ đã chỉ đúng nhiều vật, hãy dạy họ nhận biết các tranh hành động, các màu sắc, hình khối...
– Sau khi họ hiểu nhiều, hãy dậy họ nói từ đơn, rồi câu ngắn.
- Can thiệp về tâm lý, về mặt xã hội...