PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TRẺ TRẬT KHỚP HÁNG BẨM SINH
1. ĐẠI CƯƠNG
Trật khớp háng bẩm sinh là tình trạng chỏm xương đùi của một hoặc cả hai bên khớp háng bị trật ra khỏi vị trí bình thường của khớp háng. Tỷ lệ mắc Cứ 1.000 trẻ sơ sinh sống có khoảng 1–2 trẻ mắc dị tật trật khớp háng bẩm sinh; trong đó trẻ trai hay mắc hơn trẻ gái gấp 2 lần.
Các vấn đề liên quan
- Vận động: trẻ bị trật khớp háng đi lại có thể bị lệch người, dáng đi xấu. - Tâm lý: Trẻ, người lớn bị trật khớp háng không được phục hồi chức năng sớm thường có cảm giác tự ti, xấu hổ, không mạnh dạn tham gia vào các hoạt động như vui chơi, học hành, thể dục thể thao, tìm kiếm việc làm và xây dựng gia đình.
- Việc làm: Người lớn bị trật khớp háng nếu không được phục hồi chức năng sớm có thể gặp khó khăn trong kiếm việc làm do hình thức và chức năng vận động bị hạn chế nên khó được chấp nhận.
- Xã hội: Trẻ em và người lớn bị trật khớp háng không được phục hồi chức năng sớm thường bị bạn bè, người xung quanh chế nhạo.
2. NGUYÊN NHÂN
Nguyên nhân trước sinh
- Đột biến nhiễm sắc thể: Trẻ bị cứng đa khớp bẩm sinh (bàn chân khoèo, bàn tay khoèo, cứng khớp gối, cứng khớp khuỷu, cứng khớp vai, trật khớp háng...).
- Nhiễm trùng của mẹ khi mang thai.
- Tư thế thai nhi bất thường.
- Không rõ nguyên nhân.
3. PHÁT HIỆN SỚM
Dấu hiệu và triệu trứng:
- Trật khớp háng có thể phát hiện ngay sau sinh hoặc một vài tuần đầu sau sinh. Có 8 dấu hiệu phát hiện sớm ngay sau sinh:
1. Chênh lệch chiều dài hai chân: chân bên bị trật khớp háng ngắn hơn bên đối diện, nhưng sẽ khó phát hiện khi trật khớp háng cả hai bên.
2. Nếp lằn mông, đùi, khoeo chân bên trật cao hơn bên lành.
3. Bàn chân đổ ngoài khi trẻ nằm duỗi chân.
4. ở tư thế gập gối, khớp gối bên trật cao hơn.
5. Hạn chế gấp và dạng khớp háng.
6. Dáng đi khập khiễng nếu trật khớp háng hai bên.
7. Nghiệm pháp Barlow: Khi gập và khép háng chỏm xương đùi trượt ra ngoài ổ khớp tạo nên tiếng kêu “lục cục” (ở trẻ dưới 6 tháng tuổi)
8. Nghiệm pháp Ortolani: khi dạng và duỗi khớp háng chỏm xương đùi trượt ra ngoài ổ khớp tạo nên tiếng kêu “lục cục” (ở trẻ dưới 6 tháng tuổi), ngược lại với Test Barlow.
Xét nghiệm
Chụp khớp háng thẳng, siêu âm khớp háng giúp chẩn đoán trật khớp háng.
4. CAN THIỆP SỚM
4.1. Phục hồi chức năng/Điều trị Nguyên tắc
- Can thiệp sớm ngay sau khi sinh.
- Can thiệp toàn diện: bó bột, bài tập vận động, nẹp chỉnh hình.
Mục tiêu can thiệp sớm
- Chỉnh chỏm xương đùi vào vị trí đúng trong ổ khớp và duy trì ở tư thế đó trong khoảng thời gian tối thiểu 12 tuần.
- Nắn chỉnh chống xoay trước của cổ và thân xương đùi.
- Tăng tầm vận động (gập và dạng) của khớp háng.
- Cải thiện dáng đi đúng về sau.
Kỹ thuật can thiệp
(1) Nẹp chỉnh hình
− Nẹp khớp háng làm bằng xốp mềm điều trị trật khớp háng một bên hoặc hai bên.
− Thời gian đeo nẹp:
Ngay sau sinh đến khi trẻ 12 tháng tuổi.
Liên tục đeo cả ngày và đêm trong 6 tháng đầu.
Đeo nẹp vào đêm trong 6 tháng tiếp theo.
(2) Bó bột chỉnh hình
− Chỉ định: Trẻ trật khớp háng bẩm sinh trước 6 tháng tuổi.
− Thời gian bó bột: 2 tuần/đợt, khoảng 10 - 15 đợt.
− Theo dõi sau bó bột tại nhà: Nếu các ngón chân sưng, tím, đau, cần tháo bột ngay tránh hoại tử. Sau tháo bột cần tắm rửa sạch sẽ, bôi cồn I-ốt vào chỗ xước loét.
(3) Vận động trị liệu:
(4) Phẫu thuật chỉnh hình
Phẫu thuật chỉnh hình sớm nếu điều trị bảo tồn không có kết quả giúp trẻ cải thiện dáng đi về sau này.
(5) Các biện pháp khác
− Giữ trẻ ở tư thế dạng rộng khớp háng và gập gối bằng cách:
Đóng bỉm vệ sinh.
Cõng hoặc địu trẻ.
Đặt trẻ nằm sấp khi ngủ.
(6) Khám theo dõi thường quy
− Khám thường quy: 3 tháng một lần trẻ cần được các bác sỹ phục hồi chức năng, phẫu thuật chỉnh hình khám đánh giá sự tiến bộ.
− Xét nghiệm: chụp X-quang và siêu âm khớp háng kiểm tra 6 tháng/lần trong 2 năm đầu.