CÁCH THỰC HIỆN BIỆN PHÁP HEIMLICH

Hóc là một tình trạng rất dễ xảy ra ở trẻ em do thức ăn, dị vật, đồ chơi và có thể gây ra tử vong. Heimlich là một biện pháp sơ cấp cứu ban đầu nhằm mục đích đẩy dị vật ra khỏi đường thở. Đây là một biện pháp đơn giản dễ thực hiện nên mọi người đặc biệt là các phụ huynh có con nhỏ cần nắm vững để giúp người nhà tránh khỏ tình trạng nguy kịch do hóc.

Cách thực hiện biện pháp Heimlich

Theo hiệp hội nhi khoa Mỹ:

Hóc là tình trạng có vật gây cản trở hoặc chặn đường thở ( khí quản, hầu họng….) bởi những dị vật. Tắc nghẽn đường thở có thể gây ra tình trạng nguy kịch, tổn thương vĩnh viễn cho cơ thể do thiếu oxi và thông khí. Hóc là một nguyên ngân gây ra tử vong và tổn thương ở trẻ em đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Đặc biệt những tổn thương do thiếu không khí sẽ gây những tổn thương không phục hồi ở não bộ và hậu quả là hạn chế khả năng phát triển vận động tinh thần ở trẻ em cũng như ảnh hưởng đến khả năng nhai nuốt của trẻ. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị hóc nhất do đang tuổi khám phá môi trường sống nên trẻ có thể nuốt bất cứ một đồ vật nào xung quanh trẻ như đồ chơi, thức ăn quá to…
Điểm mấu chốt của hóc đó là gây ra tắc nghẽn đường thở. Nạn nhân sẽ tím tái, khó thở và rất nhanh chóng tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy nguyên tắc khi cấp cứu hóc đó là phải đẩy được dị vật ra khỏi chỗ bị tắc bằng cách gây ho nhân tạo.

Cách thực hiện biện pháp Heimlich

Cơ chế của biện pháp Heimlich là tạo một lực đủ mạnh ở dưới cơ hoành để đẩy được dị vật hoặc gây được cơn ho nhân tạo.

Các bước thực hiện biện pháp Heimlich:

+ Bước 1: Người cứu đứng sau lưng nạn nhân, một chân trước, một chân sau; chân trước lồng giữa hai chân nạn nhân.

+ Bước 2: Vòng hai tay ra trước, quàng lấy bụng nạn nhân, bàn tay ngoài nắm lấy nắm đấm của bàn tay trong (lòng bàn tay này úp xuống), áp sát vào vùng bụng phía trên rốn, ngay dưới xương ức của nạn nhân.

+ Bước 3: Giật lên thật mạnh và đột ngột theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên, liên tục 4 - 5 cái. Động tác này phải được thực hiện dứt khoát và không đè ép vào lồng ngực thì mới có hiệu quả.

Lặp lại một vài lần nếu cần thiết, nhưng nếu không hiệu quả thì phải nhanh chóng gọi cấp cứu.

Một vài trường hợp đặc biệt cần chú ý:

Khi người bị hóc bị bất tỉnh không thể đứng được thì cần:

-  Để bệnh nhân nằm ngửa, hoặc nửa ngồi nửa nằm, người thực hiện đứng đối diện với nạn nhân

- Đặt chồng hai bàn tay lên nhau và ở dưới cơ hoành, sử dụng phần dày nhất của lòng bàn tay đặt để tạo lực đẩy dưới cơ hoành

- Đẩy mạnh tay theo hướng lên trên và vào sâu bên trong, lặp lại nhiều cho đến khi dị vật bị đẩy ra ngoài.

Tự làm biện pháp Heimlich khi không có người giúp:

-  Nắm tay lại, ngón cái hướng về phí trong cơ thể, giữ vị trí của nắm tay chống lại lực cơ hoành

- Đẩy mạnh tay cho đến khi vật thể bị đẩy ra

- Nếu không thể làm hoặc không hiệu quả, cố gắng sử dụng các đồ vật mềm như chiếc ghế xoay để giúp tăng lực đẩy lên cơ hoành.

Với trẻ dưới 1 tuổi:

- Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất. Lưu ý giữ chắc để cổ và đầu trẻ khỏi bị tuột. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ.

- Sau đó lật trẻ từ tay trái qua tay phải của người sơ cứu. Quan sát em bé xem có hồng hào chưa, có thở, khóc được chưa. Kiểm tra miệng trẻ xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu dị vật vẫn chưa ra ngoài hoặc trẻ vẫn chưa thở thì làm tiếp biện pháp ấn ngực. Lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Ấn mạnh 5 cái theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp.

Ngăn ngừa hóc dị vật

Hiểm họa của việc hóc ở trẻ em luôn đến từ những đồ vật xung quanh trẻ như hạt nhựa, đồ chơi nhỏ, đồng xu, cúc áo… hạy thậm chí là từ thức ăn như caramel, các loại hạt, mẩu bánh mỳ, kẹo, … . Do vậy cần cẩn thận khi chăm sóc và để ý đến trẻ nhỏ.

Hóc cũng có thể xảy ra khi trẻ ăn quá nhanh, nên các bậc phụ huynh cần cắt nhỏ thức ăn và hướng cho trẻ cách ăn chậm rãi, nhau kỹ, không nói hoặc cười khi ăn hoặc không ăn nhiều đồ một lúc.