1.Đại cương về bệnh hen
Hen phế quản là một hội chứng biểu hiện bằng những cơn khó thở kịch phát, chậm ở thì thở ra, kèm theo những rối loạn vận mạch, co thắt cơ trơn phế quản, phù nề niêm mạc phế quản và tăng tiết dịch nhầy phế quản.
Hen phế quản rất phổ biến, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi mọi quốc gia, thường thấy ở những người có cơ địa dị ứng có thể trạng thần kinh dễ mất thăng bằng, cơ quan hô hấp dễ bị kích thích hay người làm việc ở nơi có nhiều bụi. Hen phế quản gặp ở nam nhiều hơn nữ.
Hen là một bệnh tắc nghẽn phổi, hen liên quan đến sự nhạy cảm của khí quản và phế quản, gây ra khó thở do co thắt phế quản và tăng tiết dịch nhầy.
Hen nặng kéo dài nhiều năm sẽ dẫn đến khí phế thũng. Người bị bệnh hen thường có dấu hiệu mệt mỏi kéo dài, gầy, tư thế của phần thân trên xấu (vai nhô cao, cổ và đầu hướng ra trước, các cơ hô hấp phụ phì đại) và ho nhiều sau cơn hen.
Trong cơn hen, người ta thấy có những rối loạn sau đây làm cho phế quản bị co hẹp gây khó thở:
- Co thắt lớp cơ trơn của phế quản.
- Phù nề niêm mạc phế quản.
- Tăng tiết dịch nhầy ở biểu mô phế quản góp phần làm tắc phế quản.
2. Triệu chứng lâm sàng
vTriệu chứng cơ năng:
Triệu chứng chính của hen phế quản là cơn hen (cơn khó thở có hồi phục):
Triệu chứng báo trước: hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, ngứa mắt hoặc đỏ mắt (viêm màng tiếp hợp dị ứng), ho khan vài tiếng có khi buồn ngủ.
Bắt đầu cơn khó thở, khó thở chậm và khó thở ra (trong giai đoạn đầu), có tiếng cò cử mà người ngoài cũng nghe thấy.Khó thở tăng đều dần, người bệnh phải tỳ tay vào thành giường để thở, kiểu thở mệt nhọc toát mồ hôi, tiếng nói bị ngắt quãng. Cơn khó thở kéo dài 5 – 10 phút có khi hàng giờ, có khi cơn liên miên cả ngày không dứt.
Cơn khó thở giảm dần và kết thúc là một cơn ho và khạc đờm dãi. Đờm dãi trong quánh và dính, đờm khạc càng được nhiều thì người bệnh càng thấy dễ chịu. Hết cơn, người bệnh nằm ngủ được.
Cơn hen thường xảy ra vào ban đêm ( có thể do ảnh hưởng của thời khắc và nội sinh của cơ thể)
vTriệu chứng thực thể:
Trong cơn hen nếu khám phổi thì thấy:
Gõ lồng ngực trong. Nghe rì rào phế nang giảm, nghe có ran rít ran ngáy khắp hai phế trường phổi.
Sau cơn hen, các triệu chứng trên giảm hay không còn.Về tim mạch: trong cơn hen có thể nhịp tim nhanh, ngoại tâm thu, huyết áp tăng…
Tiến triển của bệnh không giống nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: khí hậu mùa trong năm, trang thái tâm thần, tuổi của người bệnh, ăn uống…
Ví dụ: hen ở trẻ em, nhất là trẻ em trai có thể khỏi ở người trưởng thành. Trái lại hen thứ phát ở tuổi sau 40 – 50 dễ tiến triển đến nặng và trở thành tàn phế.
Trong quá trình diễn biến bệnh hen lâu dài, thường có những biến chứng sau: nhiễm khuẩn từng đợt (sốt, ho, khạc đờm đặc, khó thở, có khi có suy hô hấp ở người bị hen mãn tính), lao phổi, giãn phế nang, suy thất phải…
3. Phục hồi chức năng bệnh nhân hen
Khi người bệnh lên cơn hen bao giờ cũng mệt nhọc và lo lắng, nên cần phải có người giúp đỡ, chăm sóc an ủi để người bệnh được yên tâm. Bằng mọi cách phải tránh nhiễm lạnh cho bệnh nhân.
Chữa cơn hen bằng các thuốc chống co thắt phế quản cổ điển, như: ephedrine, theophyline, aminophyline. Khi nặng có thể dùng thêm corticoid (Prednisolon). Cho thuốc an thần nhẹ. Điều hòa nước và điện giải khi cần.
Ngăn ngừa những nguyên nhân gây dị ứng, như: viêm mũi dị ứng, viêm họng, viêm xoang, viêm amidan và VA ở trẻ em.
Phần lớn BN hen là trẻ em. Những cơn hen gây nên những cơn khó thở ngắn nặng khi BN tiếp xúc với chất gây dị ứng nặng hay thay đổi thời tiết. Bn thở với nhịp thở rất nhanh và chủ yếu sử dụng quá mức các cơ hô hấp phụ để thở. Giai đoạn thở ra kéo dài. Tư thế xấu: với vai nhô cao, đầu hướng ra trước.
Sau cơn hen người bệnh cần tập thư giãn toàn thân, chú trọng cơ cổ, đai vai và cơ ngực. Người bệnh cần tập thở bụng chú trọng hít thở sâu trong sinh hoạt hàng ngày.
vVật lý trị liệu:
MỤC TIÊU ĐIỀU TRỊ |
CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU TRỊ |
1. Giảm co thắt phế quản và tiết dịch.
2. Gia tăng thông khí.
3. Thư giãn các cơ hô hấp phụ.
4. Gia tăng đào thải dịch tiết.
5. Gia tăng các bài tập thở phối hợp tạo sức bền. |
-Thuốc giãn phế quản và giảm tiết.
- Các bài tập thở cơ hoành và thở vùng.
- Các tư thế thư giãn đối với vùng ngực trên: ngồi trên giường, ngồi trên ghế và đứng. - Kỹ thuật điều khiển nhịp thở chậm dần: hít vào sâu bằng miệng, nín lại một chút, sau đó mím môi thở ra từ từ.
- Bài tập ho có hiệu quả kết hợp với vỗ và rung. - Dẫn lưu tư thế sau cơn hen.
- Các bài tập thở hít thở sâu kết hợp với vận động của hai tay nhịp nhàng.
|