Tụ cầu vàng Staphylococcus aureus

Tổng hợp: ThS Đặng Thị Mỹ Hà

Tụ cầu là một trong những vi khuẩn gây bệnh được ghi nhận sớm nhất vào đầu những năm 1880. Năm 1880, Louis Pasteur đã phân lập được tụ cầu. Năm 1881, Ogston đã gây bệnh thực nghiệm. Tụ cầu phân bố rộng rãi trong tự nhiên và là một loại vi khuẩn thường ký sinh trên da lỗ mũi và đường hô hấp trên của người. Trong đó nhiều loài là tụ cầu cộng sinh và một vài loài là những vi khuẩn gây bệnh giới hạn. Theo nhiều nghiên cứu ở Việt Nam, trong các vi khuẩn Gram dương, tụ cầu vàng là loài vi khuẩn gây bệnh thường gặp nhất và kháng lại kháng sinh mạnh nhất. Đặc biệt là gây nhiễm khuẩn huyết, gây ngộ độc thức ăn, gây nhiễm trùng bệnh viện…

Giống Staphylococcus ít nhất bao gồm 13 loài, trong đó có 3 loài có vai trò quan trọng trong y học là:

- S. aureus (tụ cầu vàng)

- S. epidermidis (tụ cầu da)

- S. saprophyticus

 Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) là căn nguyên gây ra nhiều thể bệnh với nhiều yếu tố độc lực:

- Độc tố ruột (enterotoxin): đa số tụ cầu vàng tiết ra độc tố ruột gây nhiễm độc thức ăn và viêm ruột cấp. Đây là những protein tương đối chịu nhiệt, nên không bị phân hủy bởi sự đun nấu, có trọng lượng phân tử từ 28.000 – 30.000 dalton và bao gồm 6 typ được ký hiệu từ A – F. Về miễn dịch, 6 typ này được phân biệt khá rõ ràng, mặc dù giữa chúng có kháng nguyên chéo. Về cơ chế gây bệnh, độc tố ruột kích thích tạo ra một lượng lớn interleukin I và II. Xác định enterotoxin bằng các kỹ thuật miễn dịch.

- Độc tố gây hội chứng sốc nhiễm độc: Độc tố gây sốc nhiễm độc thường gặp ở những phụ nữ có kinh dùng băng vệ sinh dày bẩn hoặc những người bị nhiễm trùng vết thương. Độc tố này khó phân biệt với độc tố ruột. Độc tố kích thích giải phóng TNF (Tumor necrosis factor, yếu tố hoại tử khối u) và các interleukin I, II. Cơ chế gây sốc của nó tương tự như của nội độc tố.

- Ngoại độc tố Exfoliatin toxin hay epidermolytic toxin: gây nên hội chứng phỏng rộp và chốc lở da trẻ em.

- Alpha toxin: Độc tố này gây tan các bạch cầu có nhân đa hình và tiểu cầu, từ đó gây ra các ổ apxe, gây ra hoại tử da và tan máu. Alpha toxin là một protein trọng lượng phân tử 33.000 – 36.000 dalton. Nó gắn trên màng tế bào và thể hiện các thuộc tính hoạt động bề mặt. Độc tố có tính kháng nguyên nhưng kháng thể của nó không có tác dụng chống nhiễm khuẩn.

- Ngoại độc tố sinh mủ: có tác dụng sinh mủ và phân bào lymphocyte và làm tăng nhạy cảm về một số phương diện đối với nội độc tố như gây sốc, hoại tử gan và cơ tim.

- Độc tố bạch cầu: độc tố này làm bạch cầu mất tính di động và bị phá hủy nhân, độc tố này chỉ tác động với bạch cầu đa nhân và đại thực bào.

- Dung huyết tố (hemolysin): tụ cầu vàng có bốn loại dung huyết tố:

-      Dung huyết tố α: gây tan hồng cầu thỏ, cừu, gây hoại tử da thỏ và gây chết thỏ, hoại tử tế bào.

-      Dung huyết tố β: gây tan hồng cầu người, cừu, bò. Liều cao gây chết thỏ, hoại tử tế bào.

-      Dung huyết tố γ: gây tan hồng cầu người và nhiều động vật. Gây hoại tử nhẹ da thỏ và gây chết thỏ.

-      Dung huyết tố δ: gây tan hồng cầu người, ngựa, thỏ, cừu,… làm xơ cứng da thỏ, hoại tử tế bào.

Các enzyme:

- Coagulase: có hai loại: một loại tiết ra ngoài môi trường gọi là coagulase tự do, một loại bám vào vách tế bào gọi là coagulase cố định. Chúng có tác dụng tạo ra cục máu đông xung quanh tế bào vi khuẩn, do vậy tụ cầu vàng tránh được tác dụng của kháng thể và thực bào.

- Fibrinolysin: là men đặc trưng của tụ cầu gây bệnh. Men này giúp tụ cầu phát triển trong các cục máu và làm tan cục máu này tạo nên tắc mạch.

- Hyaluronidase: men phân giải các acid hyaluronic của mô liên kết giúp vi khuẩn lan tràn vào mô.

- Beta - lactamase: làm cho penicillin mất tác dụng.

Tụ cầu vàng thường ký sinh ở mũi họng và có thể cả ở da. Vi khuẩn này gây bệnh cho người bị suy giảm sức đề kháng hoặc chúng có nhiều yếu tố độc lực. Tụ cầu vàng là vi khuẩn gây bệnh thường gặp nhất và có khả năng gây nhiều loại bệnh khác nhau.

1. 

Nhiễm khuẩn ngoài da: Do tụ cầu vàng ký sinh ở da và niêm mạc mũi nên nó có thể xâm

nhập qua các lỗ chân lông, chân tóc hoặc các tuyến dưới da. Sau đó gây nên các nhiễm khuẩn sinh mủ: mụn nhọt, đầu đinh, các ổ apxe, eczema, hậu bối,… Nhiễm tụ cầu ngoài da thường hay gặp ở trẻ em và người suy giảm miễn dịch. Hậu bối và đinh râu có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm.

Nhiễm khuẩn huyết: Tụ cầu vàng là vi khuẩn thường gây nhiễm khuẩn huyết nhất. Thường xảy ra sau những nhiễm khuẩn tiên phát đặc biệt là nhiễm khuẩn ngoài da. Đây là một nhiễm trùng nặng, từ máu tụ cầu đến các cơ quan khác gây nên các ổ áp xe (gan, phổi, não, tủy xương,…) hoặc viêm nội tâm mạc. Có thể gây viêm tắc tĩnh mạch, tỷ lệ tử vong cao.

Nhiễm độc thức ăn và viêm ruột cấp:Nhiễm độc thức ăn thường do ăn uống phải độc tố ruột của tụ cầu vàng hoặc do tụ cầu vàng vốn cư trú chiếm ưu thế ở đường ruột, khi dùng kháng sinh kéo dài, các vi khuẩn thường quy của đường ruột bị chết nhiều thì tụ cầu vàng có điều kiện thuận lợi phát triển nhanh về số lượng sẽ gây bệnh.

Triệu chứng ngộ độc rất cấp tính. Sau khi ăn phải thức ăn nhiễm độc tố vài giờ, bệnh nhân nôn và đi ngoài dữ dội, phân nhiều nước. Có thể dẫn đến sốc do mất nước và điện giải.

Viêm phổi: Viêm phổi do tụ cầu vàng ít gặp, thường xảy ra sau viêm đường hô hấp do virus hoặc sau nhiễm khuẩn huyết. Có thể tiên phát, thường gặp ở trẻ em, người già và những người bị suy yếu.

Ngoài các bệnh thường gặp trên, tụ cầu vàng còn có thể gây hội chứng phồng rộp da, viêm da hoại tử, shock nhiễm độc do phụ nữ sử dụng bông gạc không sạch khi hành kinh.