Xét nghiệm vi sinh trong xử trí viêm phổi

Xét nghiệm vi sinh có vai trò rất quan trọng trong xử trí viêm phổi, nhất là đối với những trường hợp nặng. Việc phân tích nguy cơ, đánh giá mức độ nặng và thực hiện xét nghiệm vi sinh trước khi điều trị kháng sinh cho những trường hợp nặng là cần thiết. Vai trò của xét nghiệm vi sinh tại các cơ sở điều trị hiện nay đang được áp dụng dưới mức và thiếu chuẩn. Điều này dẫn tới hệ lụy sử dụng kháng sinh quá mức, tăng nguy cơ xuất hiện kháng thuốc và giảm hiệu quả điều trị. Hiện nay vi khuẩn kháng thuốc có thể gặp ngay cả trong các nhiễm khuẩn cộng đồng và không chỉ thấy trên các vi khuẩn Gram (-). Điều này cho thấy yêu cầu chuẩn hóa thực hành xét nghiệm vi sinh nói chung và trong viêm phổi là rất bức thiết.

Ca lâm sàng:

Bệnh nhân nam 81 tuổi được đưa thẳng từ nhà vào cấp cứu bệnh viện với tình trạng sốt cao, lơ mơ. Tiền sử 3 năm trước bệnh nhân đã được mổ cắt 2/3 dạ dày với chẩn đoán ung thư. Hai năm trước đã được chẩn đoán và điều trị lao màng phổi phải. Sức khỏe bệnh nhân sau đó khá ổn được khoảng 1 năm. Ba tháng trước bệnh nhân bị tai nạn xe phải nhập viện thở máy và sau đó điều trị viêm phổi thở máy.

Tình trạng khi nhập viện: Lơ mơ, sốt 39oC, nhịp tim 130 l/p, HA 93/59 mmHg, nhịp thở 34 l/p.

Khám thực thể có tiếng ran nổ 1/2 dưới phổi phải.

Các xét nghiệm: Công thức máu ngoại vi: 2.250 bạch cầu/μl, hemoglobin ở 10,9g/dl, tiểu cầu 144.000/μl. Các xét nghiệm khác bao gồm: BUN 53,2 mg/dl, creatinine 1,88 mg/dl, glucose 105 mg/dl, natri 144 mM/l và axit lactic 5,4 mM/l.

Phân tích khí máu động mạch: pH 7,438, PaCO2 28,1 mmHg, PaO2 54,0mmHg, SaO2 88,0% khi đang thở khí phòng.

Xquang ngực có hình mờ dạng đông đặc tập trung nhiều ở 1/2 dưới phải (hình bên dưới).

Do đặc điểm tiền sử như trên và bệnh cảnh nặng, bệnh nhân đã được xét nghiệm kháng nguyên phế cầu (S.pneumopniae), Legionallae nước tiểu, xét nghiệm vi trùng học đàm, cấy máu. Các xét nghiệm này được thực hiện tại ICU.

Tình trạng của bệnh nhân xấu đi nhanh. Bệnh nhân được nhập vào ICU, thở máy xâm lấm với chẩn đoán viêm phổi và được điều trị kháng sinh kinh nghiệm bằng Meropenem + Levofloxacin.

Kết quả nhuộm Gram đàm: Nhiều cầu khuẩn Gram (+) và trực khuẩn Gram (-). Xét nghiệm nước tiểu (+) với S.pneumoniae. Kết quả cấy đàm (+) với Staphylococcus aureus kháng methicillin và Klebsiella pneumoniae ESBL (+). Kết quả cấy máu (+) với S.pneumoniae. Kháng sinh đồ đã được thực hiện với kết quả cấy máu (như bảng bên dưới). Sau 3 ngày điều trị tại ICU, căn cứ trên kết quả cấy máu, xét nghiệm nước tiểu, điều trị kháng sinh đã được đổi sang Vancomycin. Lâm sàng bệnh nhân cải thiện dần và hiện tại đã ngưng thở máy sau hai tuần điều trị.