Sử dụng Corticosteroid trong điều trị viêm mũi xoang mạn

Viêm mũi xoang mạn tính (CRS) nguyên phát là tình trạng phổ biến nhất trong thực hành tai mũi họng. Điều trị nhằm mục đích giảm viêm niêm mạc và giảm tình trạng tăng tiết chất nhầy, giảm ứ đọng niêm mạc và hạn chế phản ứng với các tác nhân môi trường để cải thiện chức năng của xoang64. Tác dụng hiệp đồng của liệu pháp nội khoa và phẫu thuật - khi được chỉ định, thường được thảo luận trong y văn và nhiều khuyến cáo về “thực hành tốt nhất” đã được đưa ra.

Corticosteroid là một trong những trụ cột trong điều trị, kiểm soát CRS ở cả các dẫn xuất tác dụng tại chỗ hay toàn thân. Nhiều bệnh nhân đáp ứng tốt với corticosteroid toàn thân. Tuy nhiên, sử dụng lâu dài có thể có tác dụng phụ đáng kể, chẳng hạn như ức chế trục hạ đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận (hypothalamic-pituitary-adrenal axis - HPA), loãng xương, tăng đường huyết…          Trong nỗ lực giảm thiểu tác dụng phụ của điều trị nội khoa toàn thân, liệu pháp tại chỗ thường được sử dụng để đưa thuốc đến niêm mạc bị ảnh hưởng. Mặc dù điều trị bằng corticosteroid tại chỗ đã được chấp nhận trong mô hình điều trị nội khoa cho CRS nhưng phương pháp cung cấp corticosteroid thích hợp vẫn còn đang được tranh luận. Để cải thiện việc đưa thuốc đến các xoang cạnh mũi, cách xịt mũi truyền thống đã được thay đổi thành một kỹ thuật phân phối thuốc giúp lắng đọng thuốc tốt hơn cho các khoang xoang bị ảnh hưởng. Thuốc được đưa bằng đường xịt mũi đơn thuần được lắng đọng trong khoang mũi trước và phân bố đến vách ngăn, cuốn dưới và đầu cuốn giữa, mà không phân bố đến khe mũi giữa và khe mũi trên.

Các loại thuốc corticosteroid hiện có (mometasone, fluticasone, betamethasone, budesonide…) đã được nghiên cứu và phê duyệt để điều trị viêm đường hô hấp; tuy nhiên, phần lớn các chỉ định này là dành cho viêm mũi và polyp mũi, nơi bệnh lý nằm ở khoang mũi. Hiện tại không có corticosteroid tại chỗ nào được phê duyệt cho CRS, vì hiệu quả phân phối “xoang” là kết quả của một số yếu tố. Mặc dù có nhiều lựa chọn đã được mô tả, từ phun khí dung dạng xung đến thiết bị phun dòng chảy hai chiều, rửa mũi đơn giản đã chứng minh là có hiệu quả nhất. Rửa mũi bằng corticosteroid tại chỗ đã được sử dụng dễ dàng hơn trong những năm gần đây.

Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy hiệu quả của việc rửa mũi bằng corticosteroid so với thuốc xịt mũi corticosteroid, chỉ rửa mũi với nước muối hoặc không điều trị tại chỗ.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mặc dù có thể có một số thay đổi cận lâm sàng về nồng độ cortisol, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào về việc ức chế tuyến thượng thận khi sử dụng tới 38,2 tháng. Cũng không có thay đổi đáng kể nào về áp lực nội nhãn khi dùng budesonide hoặc fluticasone khi rửa mũi thể tích lớn.Mặc dù việc rửa mũi bằng corticosteroid đã được chứng minh là an toàn khi sử dụng lâu dài khi đánh giá tới vấn đề ức chế trục HPA và IOP, chúng ta vẫn nên xem xét nguy cơ tiềm ẩn của bệnh lý hắc võng mạc trung tâm thanh dịch (central serous choreoretinopathy - CSC). CSC là bệnh võng mạc phổ biến thứ tư và có liên quan đến việc sử dụng corticosteroid, với tỷ số số chênh cao hơn khi sử dụng corticosteroid dạng hít/xịt mũi (OR, 2,44; 95% CI, 1,39-4,29) so với sử dụng corticosteroid đường uống (OR, 2,21); KTC 95%, 1,61-3,02)88. Do đó, mặc dù việc sử dụng corticosteroid tại chỗ đã được chứng minh là an toàn nhưng việc tiếp tục đánh giá tác dụng phụ của bệnh nhân là rất quan trọng để điều trị hiệu quả và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Tóm lại, sử dụng dung dịch rửa mũi bằng corticosteroid thể tích lớn cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách kiểm soát triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng khách quan khi được sử dụng song song với phẫu thuật xoang hoàn chỉnh trong điều trị CRS nguyên phát. Có bằng chứng về lợi ích của chúng so với thuốc xịt mũi corticosteroid đơn thuần (cấp độ 1). Thành công này có thể là do nhiều yếu tố, đòi hỏi bệnh lý thích hợp (tình trạng viêm), khoang xoang được mở rộng và rửa mũi với thể tích lớn. Mặc dù có thể ghi nhận hấp thu toàn thân ở một mức độ nào đó, nhưng việc sử dụng dịch rửa mũi corticosteroid hàng ngày, kéo dài trong thời gian dài không dẫn đến tăng áp lực nội nhãn hoặc suy tuyến thượng thận và chúng nên được coi là một phần của liệu pháp đầu tay trong việc quản lý CRS sau phẫu thuật.