CHĂM SÓC TÂM LÝ XÃ HỘI CHO BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Bệnh đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng và phức tạp với tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng trong vài thập kỷ qua. Các số liệu báo cáo của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế cho thấy gánh nặng toàn cầu của đái tháo đường ngày càng tăng đối với các cá nhân, gia đình và quốc gia. Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế IDF (2021) báo cáo rằng 10,5% dân số trưởng thành (20-79 tuổi) đang mắc đái tháo đường, trong đó gần một nửa không biết rằng họ đang sống chung với tình trạng này. Đến năm 2045, dự báo của IDF cho thấy cứ 8 người trưởng thành thì có 1 người, khoảng 783 triệu người, sẽ mắc bệnh đái tháo đường, tăng 46%. Cũng theo báo cáo này, Việt Nam có tỷ lệ khoảng6,1 % người trưởng thành sống chung với đái tháo đường năm 2021, con số này dự kiến sẽ tăng lên 7,1% vào năm 2045. [1]

Bệnh đái tháo đường là một rối loạn chuyển hóa mãn tính ảnh hưởng đến thể chất, xã hội và tinh thần, bao gồm cả sức khỏe tâm lý của những người mắc bệnh đái tháo đường. Các vấn đề tâm lý xã hội ở bệnh nhân đái tháo đường thường tác động tiêu cực đến sức khỏe và đời sống xã hội của bệnh nhân nếu không được giải quyết. Bên cạnh đó, phần lớn các hướng dẫn về chăm sóc bệnh đái tháo đường tập trung vào các khía cạnh y tế trong chăm sóc sức khỏe ban đầu mà chưa đề cập đến nhu cầu tâm lý của bệnh nhân. [2], [3]

Mặc dù nhiều bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường có thể đối phó tốt với các vấn đề tâm lý và sống một cuộc sống khỏe mạnh, nhưng cũng có không ít bệnh nhân thường khó chấp nhận rằng họ phải dùng thuốc liên tục trong suốt cuộc đời, điều này dẫn đến việc tuân thủ điều trị kém và giảm khả năng tự quản lý bệnh đái tháo đường [4]. Nhu cầu về cảm xúc và tâm lý của bệnh nhân đái tháo đường bị tổn hại, khi những nỗ lực cá nhân để đáp ứng những thách thức trong quá trình điều trị không thành công như mong đợi, hoặc khi xuất hiện các biến chứng của bệnh đái tháo đường.

Những vấn đề tâm lý xã hội này có thể diễn tiến thành trầm cảm hoặc các rối loạn tâm lý khác. Điều này dẫn đến hành vi tự chăm sóc kém, cải thiện kết quả điều trị giảm, tỷ lệ tử vong tăng, hạn chế về chức năng của cơ thể, chi phí chăm sóc y tế tăng và giảm chất lượng cuộc sống. [5]

Nhiều bằng chứng chỉ ra rằng bệnh đái tháo đường và các biến chứng của bệnh có liên quan chặt chẽ đến các vấn đề tâm lý và tâm thần. Chúng bao gồm trầm cảm, thói quen ăn uống kém, suy giảm nhận thức và sợ hạ đường huyết. Hơn nữa, bệnh nhân đái tháo đường type 2 cũng có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm đi kèm cao gấp hai lần so với những người khỏe mạnh, dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân [6], [7], [8]. Các nghiên cứu cũng cho thấy bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường phải chịu mức độ căng thẳng cảm xúc đặc trưng của bệnh đái tháo đường trong quá trình tuân thủ chế độ ăn uống, tập luyện và dùng thuốc nghiêm ngặt.

Giải quyết các khía cạnh tâm lý xã hội như vậy bao gồm các yếu tố nhận thức, cảm xúc, hành vi và xã hội trong các can thiệp điều trị sẽ giúp bệnh nhân vượt qua các rào cản tâm lý liên quan đến việc tuân thủ và tự chăm sóc bản thân, và mục tiêu cuối cùng là quản lý hiệu quả bệnh nhân mắc đái tháo đường. [9], [10]

Gần đây trong Tiêu chuẩn chăm sóc y tế đối với bệnh đái tháo đường của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ năm 2023, ADA khuyến nghị các bác sĩ lâm sàng thường xuyên sàng lọc bệnh nhân đái tháo đường để tìm ra các thách thức tâm lý xã hội, bao gồm các vấn đề về sức khỏe tâm thần và giới thiệu đến nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần có kiến ​​thức và kinh nghiệm về bệnh đái tháo đường khi xác định được vấn đề. [11]

Theo đó, tổng quan hiện tại xem xét nhu cầu tâm lý, cảm xúc của bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường và nhấn mạnh vai trò của bác sĩ nội tiết – đái tháo đường, chuyên gia sức khỏe tâm thần bao gồm cả nhà tâm lý học lâm sàng để giảm thiểu các vấn đề mà những bệnh nhân gặp phải.

Mục đích của việc xem xét này là cung cấp cái nhìn tổng quan về nhu cầu hỗ trợ tâm lý xã hội của người mắc bệnh đái tháo đường và các công cụ sàng lọc các vấn đề tâm lý xã hội ở bệnh nhân đái tháo đường.

Một nỗ lực đã được thực hiện để tìm hiểu vai trò của căng thẳng trong sự tiến triển của bệnh đái tháo đường và thiết lập mối quan hệ giữa các rối loạn tâm thần bao gồm trầm cảm và lo âu với biểu hiện lâm sàng của bệnh đái tháo đường. Cuối cùng, tổng quan ngắn gọn về các công cụ sàng lọc các vấn tâm lý xã hội khác nhau đã được chuẩn hóa để hỗ trợ bác sĩ lâm sàng đánh giá và can thiệp các vấn đề tâm lý của bệnh nhân để cải thiện hành vi tự chăm sóc bản thân cần được thảo luận.

  1. Xem xét vai trò của các nhà lâm sàng trong chăm sóc tâm lý xã hội cho các giai đoạn tiến triển ở người bệnh đái tháo đường

Các khuyến nghị dựa trên mô hình lâm sàng thường được sử dụng, được sự đồng thuận của các chuyên gia và được thử nghiệm, có tính đến nguồn lực sẵn có, mô hình thực hành và gánh nặng của người hành nghề. Bên cạnh đó, xem xét của yếu tố về tuổi thọ và diễn biến bệnh tật rất quan trọng trong vấn đề chăm sóc tâm lý xã hội cho người bệnh. [12]

Hình 1.1. Mô hình chăm sóc tâm lý xã hội theo các giai đoạn tiến triển của bệnh đái tháo đường

Một số định nghĩa cần được làm rõ bao gồm:

*Rối loạn tự điều chỉnh là bệnh nhân thường phản ứng quá mức với căng thẳng liên quan đến tâm trạng chán nản, lo lắng, hoặc rối loạn cảm xúc và hành vi.

**Yếu tố tâm lý  ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe bao gồm các đặc điểm tính cách, khả năng đối phó, hành vi sức khỏe không phù hợp hoặc có những phản ứng sinh lý liên quan đến căng thẳng.

***Biến đổi cuộc sống trong các giai đoạn chuyển tiếp là các sự kiện cuộc sống cá nhân như chuyển nhà, thay đổi công việc hoặc trải qua mất mát…

Theo khuyến cáo của ADA, chăm sóc tâm lý xã hội nên được tích hợp trong các hoạt động chăm sóc, lấy bệnh nhân là trung tâm và cần được cung cấp cho tất cả bệnh nhân đái tháo đường. Với mục tiêu tối ưu hóa kết quả sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tuyên bố này cũng được đồng thuận bởi Liên minh Quốc tế các Tổ chức Bệnh nhân (IAPO), chăm sóc sức khỏe lấy bệnh nhân làm trung tâm gợi ý rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe nên được thiết kế để giải quyết các nhu cầu và sở thích chăm sóc sức khỏe của tất cả bệnh nhân (bao gồm cả những người mắc bệnh đái tháo đường , để việc chăm sóc sức khỏe của họ phù hợp và tiết kiệm chi phí của bệnh nhân, bằng cách nâng cao trách nhiệm của người bệnh và tối ưu các kết quả điều trị và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân trong chăm sóc y tế. [13] Nghiên cứu DAWN về thái độ, mong muốn và nhu cầu về bệnh đái tháo đường được thực hiện trên 12 quốc gia cho thấy các nhà chăm sóc sức khỏe (bao gồm: bác sĩ lâm sàng, điều dưỡng và nhà dinh dưỡng) có khả năng xác định và đánh giá nhu cầu tâm lý xã hội của bệnh nhân tốt hơn là can thiệp tâm lý, tuy nhiên gần nửa nhà chăm sóc cho thấy có thể làm được cả 2 vai trò này và các nhà chăm sóc sức khỏe cần được đào tạo để đạt được trình độ chuyên môn phù hợp [14]. Thành lập liên minh điều trị bao gồm bác sĩ lâm sàng, nhà tâm lý, công tác xã hội, là  những người hiểu biết về điều trị bệnh đái tháo đường và các khía cạnh tâm lý xã hội của bệnh đái tháo đường là điều cần thiết.  [15]

Nhà chăm sóc sức khỏe sẽ cung cấp thông tin, đào tạo kỹ năng tự chăm sóc cho bệnh nhân đái tháo đường cho đến khi họ đạt được năng lực tự chăm sóc. Kết quả điều trị phụ thuộc nhiều vào hành vi tự chăm sóc liên tục của người bệnh. Các yếu tố nhận thức, cảm xúc và xã hội là những yếu tố quyết định quan trọng đến hành vi tự chăm sóc và do đó dẫn đến thành công của việc điều trị [16]. Bệnh nhân đái tháo đường cần được theo dõi thường xuyên khả năng tự chăm sóc cũng như các yếu tố tâm lý xã hội ảnh hưởng đến khả năng tự chăm sóc. Việc đánh giá nhu cầu tâm lý xã hội ở bệnh nhân đái tháo đường được thực hiện trong các trường hợp sau: [12]

-        Lần khám đầu tiên được đưa ra chẩn đoán mắc đái tháo đường và định kỳ ngay cả khi không có chỉ định cụ thể.

-        Chỉ định trong các quá trình điều trị có sự thay đổi về bệnh tật, cách điều trị và hoàn cảnh sống, bao gồm: sự xuất hiện các biến chứng, những thay đổi đáng kể trong điều trị (như bắt đầu tiêm insulin hoặc các hình thức điều trị khác) hoặc thay đổi các sự kiện trong cuộc sống (thay đổi công việc, chỗ ở hoặc mất mát trong các mối quan hệ…)

Tất cả các bác sĩ lâm sàng sử dụng các công cụ đã được chuẩn hóa để sàng lọc các vấn đề sức khỏe tâm lý xã hội của người bệnh để theo dõi, đánh giá và chẩn đoán  [17]. Bác sĩ lâm sàng cần cân nhắc tư vấn bệnh nhân đái tháo đường đến nhà chăm sóc sức khỏe tâm thần để đánh giá và điều trị trong các trường hợp sau: [12]

-      Nếu khả năng tự chăm sóc vẫn bị suy giảm ở người bệnh ĐTĐ sau khi đã được giáo dục về bệnh ĐTĐ phù hợp.

-      Nếu một người có kết quả sàng lọc dương tính trên một công cụ sàng lọc đã được phê duyệt để phát hiện các triệu chứng trầm cảm.

-      Khi có triệu chứng hoặc nghi ngờ về rối loạn hành vi ăn uống, rối loạn hành vi ăn uống hoặc thói quen ăn uống bị gián đoạn.

-      Nếu xác định được hành vi cố ý bỏ tiêm insulin hoặc thuốc uống để giảm cân.

-      Nếu một người có kết quả sàng lọc dương tính về chứng lo âu hoặc sợ bị hạ đường huyết.

-      Nếu nghi ngờ mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng.

-      Ở thanh niên và gia đình gặp khó khăn trong việc tự chăm sóc, nhập viện nhiều lần vì nhiễm toan đái tháo đường hoặc đau khổ đáng kể.

-      Nếu một người được sàng lọc phát hiện suy giảm nhận thức.

-      Suy giảm khả năng thực hiện các hành vi tự chăm sóc bệnh đái tháo đường.

-      Trước khi trải qua phẫu thuật giảm béo và sau khi đánh giá cho thấy nhu cầu hỗ trợ điều chỉnh liên tục.

Hiệp hội Đái tháo đường Anh đã ủng hộ một mô hình hỗ trợ tâm lý và cảm xúc theo từng cấp độ được gọi là “kim tự tháp của nhu cầu tâm lý”. Ranh giới giữa các cấp độ của kim tự tháp không phải là tuyệt đối vì bất kỳ ai cũng có thể di chuyển lên hoặc xuống các cấp độ này vào bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời của mình. Dựa trên mức độ nghiêm trọng của nhu cầu tâm lý của bệnh nhân, mô hình có năm cấp độ (tức là cấp độ 1 đến cấp độ 5) như được mô tả dưới đây: [18]

Một số định nghĩa cần được làm rõ bao gồm:

-     Cấp độ 1 liên quan đến những khó khăn chung khi đối mặt với bệnh đái tháo đường và những hậu quả có thể nhận thấy được.

-     Cấp độ 2 có liên quan đến những khó khăn nghiêm trọng hơn trong việc đối phó, gây ra lo lắng đáng kể hoặc tâm trạng sa sút dẫn đến khả năng tự chăm sóc bản thân bị suy giảm. Căng thẳng mãn tính nói chung và liên quan đến bệnh đái tháo đường ở cấp độ 1 có thể dẫn đến các triệu chứng lo âu và trầm cảm ở cấp độ 2.

-     Cấp độ 3 liên quan đến các vấn đề tâm lý có thể chẩn đoán được và có thể điều trị chỉ bằng các biện pháp can thiệp tâm lý, ví dụ như các trường hợp trầm cảm nhẹ và trung bình, trạng thái lo âu và rối loạn ám ảnh/cưỡng bức.

-     Cấp độ 4 bao gồm các vấn đề tâm lý nghiêm trọng hơn có thể chẩn đoán được và cần các phương pháp điều trị bằng thuốc cũng như tư vấn và can thiệp của nhà tâm lý học.

-     Cấp độ 5 liên quan đến bệnh/rối loạn tâm thần nghiêm trọng và phức tạp cần được can thiệp tâm thần.

 

Bảng 1.1. Vai trò của bác sĩ đái tháo đường và chuyên gia sức khỏe tâm thần dựa trên mức độ nghiêm trọng của những khó khăn mà người mắc bệnh đái tháo đường gặp phải. [19]

 

Tóm lại, điều quan trọng là phải phân biệt các vấn đề liên quan đái tháo đường (stress tiêu cực liên quan đái tháo đường – diabetes distress) và rối loạn (bệnh tâm thần). Mặc dù cả hai đều đáng được giải quyết như một phần của việc chăm sóc bệnh đái tháo đường đang diễn ra, nhưng các vấn đề này đòi hỏi một cách tiếp cận khác biệt, trong đó phần lớn sự hỗ trợ có thể được cung cấp bởi các chuyên gia về bệnh đái tháo đường được đào tạo bài bản, cả cá nhân và theo nhóm. Các nhà tâm lý học lâm sàng có chuyên môn về bệnh đái tháo đường có thể cung cấp đào tạo và giám sát cho các nhóm chăm sóc. Các rối loạn tâm lý cần được chuyển đến cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần chuyên khoa, trong hoặc ngoài phòng khám bệnh đái tháo đường.

KẾT LUẬN

Nhiều bằng chứng chỉ ra rằng bệnh đái tháo đường và các biến chứng của bệnh có liên quan chặt chẽ đến các vấn đề tâm lý và tâm thần. Chúng bao gồm trầm cảm, thói quen ăn uống kém, suy giảm nhận thức và sợ hạ đường huyết. 

Xác định và hỗ trợ bệnh nhân có vấn đề về tâm lý xã hội sớm trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường có thể thúc đẩy sức khỏe tâm lý xã hội và cải thiện khả năng điều chỉnh hoặc chịu trách nhiệm đầy đủ trong việc tự quản lý bệnh đái tháo đường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Home, Resources, diabetes L. with, et al. IDF Diabetes Atlas | Tenth Edition. <https://diabetesatlas.org/>, accessed: 11/05/2022.
  2. Kalra S., Sridhar G.R., Balhara Y.P.S., et al. (2013). National recommendations: Psychosocial management of diabetes in India. Indian J Endocrinol Metab, 17(3), 376–395.
  3. Peyrot M., Rubin R.R., Lauritzen T., et al. (2005). Psychosocial problems and barriers to improved diabetes management: results of the Cross-National Diabetes Attitudes, Wishes and Needs (DAWN) Study. Diabet Med, 22(10), 1379–1385.
  4. Peel E., Parry O., Douglas M., et al. (2004). Diagnosis of type 2 diabetes: a qualitative analysis of patients’ emotional reactions and views about information provision. Patient Education and Counseling, 53(3), 269–275.
  5. Coccaro E.F., Lazarus S., Joseph J., et al. (2021). Emotional Regulation and Diabetes Distress in Adults With Type 1 and Type 2 Diabetes. Diabetes Care, 44(1), 20–25.
  6. Renn B.N., Obetz V., and Feliciano L. (2020). Comorbidity of depressive symptoms among primary care patients with diabetes in a federally qualified health center. J Health Psychol, 25(9), 1303–1309.
  7. Full article: Psychosocial intervention for patients with type 2 diabetes mellitus and comorbid depression: a meta-analysis of randomized controlled trials. <https://www.tandfonline.com/doi/full/10.2147/NDT.S116465>, accessed: 08/25/2023.
  8. Smith K.J., Deschênes S.S., and Schmitz N. (2018). Investigating the longitudinal association between diabetes and anxiety: a systematic review and meta-analysis. Diabet Med, 35(6), 677–693.
  9. Lastretti M., Tomai M., Visalli N., et al. (2021). An Integrated Medical-Psychological Approach in the Routine Care of Patients with Type 2 Diabetes: A Pilot Study to Explore the Clinical and Economic Sustainability of the Healthcare Intervention. Sustainability, 13(23), 13182.
  10. Psychological interventions for treating foot ulcers, and preventing their recurrence, in people with diabetes - McGloin, H - 2021 | Cochrane Library. <https://www.cochranelibrary.com/cdsr/doi/10.1002/14651858.CD012835.pub2/full>, accessed: 08/25/2023.
  11. ElSayed N.A., Aleppo G., Aroda V.R., et al. (2022). 5. Facilitating Positive Health Behaviors and Well-being to Improve Health Outcomes: Standards of Care in Diabetes—2023. Diabetes Care, 46(Supplement_1), S68–S96.
  12. Young-Hyman D., de Groot M., Hill-Briggs F., et al. (2016). Psychosocial Care for People With Diabetes: A Position Statement of the American Diabetes Association. Diabetes Care, 39(12), 2126–2140.
  13. Patient-centred healthcare | International Alliance of Patients’ Organizations. <https://www.iapo.org.uk/patient-centred-healthcare>, accessed: 09/03/2023.
  14. Stuckey H.L., Vallis M., Kovacs Burns K., et al. (2015). “I Do My Best To Listen to Patients”: Qualitative Insights Into DAWN2 (Diabetes Psychosocial Care From the Perspective of Health Care Professionals in the Second Diabetes Attitudes, Wishes and Needs Study). Clinical Therapeutics, 37(9), 1986-1998.e12.
  15. Snoek F.J. (2022). Mental health in diabetes care. Time to step up. Frontiers in Clinical Diabetes and Healthcare, 3.
  16. de Groot M., Golden S.H., and Wagner J. (2016). Psychological Conditions in Adults With Diabetes. Am Psychol, 71(7), 552–562.
  17. Holt R.I.G., DeVries J.H., Hess-Fischl A., et al. (2021). The Management of Type 1 Diabetes in Adults. A Consensus Report by the American Diabetes Association (ADA) and the European Association for the Study of Diabetes (EASD). Diabetes Care, 44(11), 2589–2625.
  18. Emotional and psychological support for people with diabetes| Diabetes UK. <https://www.diabetes.org.uk/professionals/position-statements-reports/diagnosis-ongoing-management-monitoring/emotional-and-psychological-support-for-people-with-diabetes>, accessed: 09/04/2023.
  19. Kalra S., Jena B.N., and Yeravdekar R. (2018). Emotional and Psychological Needs of People with Diabetes. Indian J Endocrinol Metab, 22(5), 696–704.
  20. Hagger V., Hendrieckx C., Sturt J., et al. (2016). Diabetes Distress Among Adolescents with Type 1 Diabetes: a Systematic Review. Curr Diab Rep, 16(1), 9.
  21. Hiasat D.A., Salih M.B., Abu Jaber A.H., et al. (2023). The prevalence of diabetes distress among patients with type 2 diabetes in Jordan. J Taibah Univ Med Sci, 18(6), 1237–1243.
  22. Prevalence and predictors of diabetes distress among adults with type 2 diabetes mellitus: a facility-based cross-sectional study of Bangladesh - PMC. <https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8783990/>, accessed: 09/03/2023.
  23. Frontiers | Assessing the Prevalence of Diabetes Distress and Determining Its Psychosocial Predictors Among Saudi Adults With Type 2 Diabetes: A Cross-Sectional Study. <https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fpsyg.2021.759454/full>, accessed: 09/03/2023.
  24. Psychometric validation of diabetes distress scale in Bangladeshi population | Scientific Reports. <https://www.nature.com/articles/s41598-021-04671-0>, accessed: 09/03/2023.
  25. German J., Kobe E.A., Lewinski A.A., et al. (2023). Factors Associated With Diabetes Distress Among Patients With Poorly Controlled Type 2 Diabetes. Journal of the Endocrine Society, 7(5), bvad031.
  26. Farooqi A., Gillies C., Sathanapally H., et al. (2022). A systematic review and meta-analysis to compare the prevalence of depression between people with and without Type 1 and Type 2 diabetes. Primary Care Diabetes, 16(1), 1–10.
  27. Chireh B., Li M., and D’Arcy C. (2019). Diabetes increases the risk of depression: A systematic review, meta-analysis and estimates of population attributable fractions based on prospective studies. Preventive Medicine Reports, 14, 100822.
  28. Salinero-Fort M.A., Gómez-Campelo P., Andrés-Rebollo F.J.S., et al. (2018). Prevalence of depression in patients with type 2 diabetes mellitus in Spain (the DIADEMA Study) : results from the MADIABETES cohort. BMJ Open, 8(9), e020768.
  29. Alzoubi A., Abunaser R., Khassawneh A., et al. (2018). The Bidirectional Relationship between Diabetes and Depression: A Literature Review. Korean J Fam Med, 39(3), 137–146.
  30. Chaturvedi S.K., Manche Gowda S., Ahmed H.U., et al. (2019). More anxious than depressed: prevalence and correlates in a 15-nation study of anxiety disorders in people with type 2 diabetes mellitus. Gen Psychiatr, 32(4), e100076.
  31. Eating disorders and diabetes. Diabetes UK, <https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/emotions/eating-disorders-and-diabetes>, accessed: 09/04/2023.
  32. Polonsky W.H., Fisher L., Earles J., et al. (2005). Assessing Psychosocial Distress in Diabetes: Development of the Diabetes Distress Scale. Diabetes Care, 28(3), 626–631.
  33. Polonsky W.H., Anderson B.J., Lohrer P.A., et al. (1995). Assessment of Diabetes-Related Distress. Diabetes Care, 18(6), 754–760.
  34. Spitzer R.L., Williams J.B., Kroenke K., et al. (1994). Utility of a new procedure for diagnosing mental disorders in primary care. The PRIME-MD 1000 study. JAMA, 272(22), 1749–1756.
  35. Manual for the Beck Depression Inventory-II (BDI-II) – ScienceOpen. <https://www.scienceopen.com/document?vid=9feb932d-1f91-4ff9-9d27-da3bda716129>, accessed: 09/04/2023.
  36. Anant N., Kaur D., Nadarajan R., et al. (2023). Validating the Children’s Depression Inventory-2: Results from the Growing Up in Singapore Towards Healthy Outcomes (GUSTO) study. PLoS One, 18(5), e0286197.
  37. Sheikh J.I. and Yesavage J.A. (1986). Geriatric Depression Scale (GDS): Recent evidence and development of a shorter version. Clinical Gerontologist: The Journal of Aging and Mental Health, 5(1–2), 165–173.
  38. (PDF) Eating disorder inventory-3 (EDI-3) Professional Manual. Lutz, FL: Psychological Assessment Resources. <https://www.researchgate.net/publication/278225878_Eating_disorder_inventory-3_EDI-3_Professional_Manual_Lutz_FL_Psychological_Assessment_Resources>, accessed: 09/04/2023.