Nghiên cứu được công bố do các tác giả tại Khoa Dinh dưỡng, Khoa Dịch tễ học, Khoa Miễn dịch học và Bệnh truyền nhiễm của Trường Y tế công cộng Harvard TH Chan đã đánh giá mối liên hệ giữa thực phẩm chế biến sẵn như đồ ăn nhẹ đóng gói và bữa ăn đông lạnh với bệnh trầm cảm.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về chế độ ăn uống và sức khỏe tâm thần của 31.712 phụ nữ trung niên từ năm 2003 đến năm 2017. Thói quen ăn uống của họ được đánh giá bốn năm một lần. Họ cũng báo cáo liệu họ có được chẩn đoán lâm sàng về bệnh trầm cảm và/hoặc bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm trong thời gian nghiên cứu hay không.
Kết quả cho thấy, những người tham gia nằm trong nhóm 5 người tiêu dùng thực phẩm chế biến sẵn hàng đầu (ăn 9 phần ăn trở lên mỗi ngày) có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn 50% so với những người thuộc nhóm 5 người tiêu dùng cuối cùng (ăn 4 phần ăn trở xuống mỗi ngày).
Các nhà nghiên cứu cũng xác định được mối liên hệ giữa chất làm ngọt nhân tạo và bệnh trầm cảm: Những người tham gia trong nhóm 5 người tiêu dùng hàng đầu có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn 26% so với những người ở nhóm 5 người cuối cùng.
Trầm cảm là một bệnh lý phức tạp và các nhà khoa học vẫn chưa có hiểu biết đầy đủ về căn bệnh này cũng như nguyên nhân của nó. Bằng chứng cho thấy nhiều yếu tố xã hội, sinh học và tâm lý khác nhau đóng vai trò gây ra trầm cảm, bao gồm di truyền, các sự kiện và trải nghiệm trong cuộc sống, hoạt động thể chất, sử dụng chất gây nghiện và các tình trạng sức khỏe khác mà họ có thể mắc phải.
Giáo sư Andrew Chan tại Trường Y Harvard, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết, chế độ ăn uống được cho là đóng một vai trò quan trọng trong nguy cơ phát triển bệnh trầm cảm. "Thật khó để đánh giá tầm quan trọng của chế độ ăn uống so với các yếu tố khác vì có nhiều yếu tố góp phần vào sức khỏe tâm thần. Thay vì một chế độ ăn cụ thể ảnh hưởng đến trầm cảm, có thể đơn giản là những người bị trầm cảm có xu hướng ăn một loại thực phẩm nhất định. Nhưng phát hiện này cho thấy mọi người, đặc biệt là những người đang gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần nên hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn bất cứ khi nào có thể".
Thực phẩm đã qua chế biến là bất kỳ thực phẩm nào được thay đổi trong quá trình chế biến để thuận tiện hơn, bảo quản được lâu hơn hoặc có hương vị hơn. Một số thực phẩm được chế biến nhiều hơn những thực phẩm khác. Ví dụ, rau quả cắt sẵn đóng túi hoặc đậu xanh bóc vỏ sẵn được coi là đã qua chế biến, nhưng nó chỉ được chế biến ở mức tối thiểu vì trạng thái tự nhiên của nó không thay đổi.
Nhưng đối với món nước sốt, xúc xích, thịt nguội, giăm bông hoặc mì ống… quay trong lò vi sóng được coi là đã qua chế biến nhiều vì chúng đã bị biến đổi về mặt hóa học với hương vị nhân tạo, chất phụ gia và các thành phần khác.
Thực phẩm siêu chế biến thường bao gồm nhiều chất phụ gia và thành phần thường không được sử dụng trong nấu ăn tại nhà như chất bảo quản, chất nhũ hóa, chất làm ngọt, màu và hương vị nhân tạo. Những thực phẩm này thường có thời hạn sử dụng lâu dài.
Thực phẩm siêu chế biến thường không cân đối về dinh dưỡng, nhiều calo, chứa nhiều đường, muối và chất béo, thiếu chất xơ, vitamin và khoáng chất… Nghiên cứu đã chứng minh, tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như béo phì, bệnh tim, tăng huyết áp, đái tháo đường và làm tăng nguy cơ ung thư.
Chất làm ngọt nhân tạo là phụ gia thực phẩm nhằm mục đích thay thế đường. Chúng được tạo ra bằng cách kết hợp hóa học các phân tử khác nhau trong phòng thí nghiệm. Đường nhân tạo được tạo ra để bắt chước hương vị của đường, nhưng chúng thường ngọt hơn đường hàng trăm lần.
Mặc dù nghiên cứu đến nay cho thấy, nguy cơ ung thư từ chất làm ngọt nhân tạo có lẽ là thấp. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy những sản phẩm này có thể làm tăng cảm giác thèm ăn và cân nặng, gây rối loạn sức khỏe đường ruột và làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn chuyển hóa.
Sẽ rất khó để loại bỏ tất cả các thực phẩm chế biến sẵn ra khỏi chế độ ăn uống hằng ngày nhưng có nhiều cách đơn giản để cắt giảm lượng thực phẩm chế biến sẵn mà bạn tiêu thụ. Chỉ cần chúng ta nhận thức rõ những tác hại của việc lạm nó và thực hiện các biện pháp sau:
- Bắt đầu từ từ: Bạn có thể từ từ thay thế thực phẩm chế biến sẵn trong chế độ ăn uống của mình bằng nhiều thực phẩm tươi sống hơn. Trên thực tế, nó có thể khiến bạn có nhiều khả năng tuân thủ những thay đổi này lâu dài hơn.
- Nấu ăn ở nhà nhiều hơn: Nếu bạn thường xuyên ăn bên ngoài ở nhà hàng, bạn sẽ không kiểm soát được việc tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn vì đồ uống có đường, đồ ngọt và thịt chế biến sẵn thường không giới hạn.
Khi nấu ăn ở nhà bạn sẽ đảm bảo được một chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe vì bạn chủ động lựa chọn nguồn thực phẩm lành mạnh giàu dinh dưỡng, đồng thời cắt giảm được các loại thực phẩm chế biến sẵn như thức ăn nhanh đóng gói, đồ uống có đường, thực phẩm chứa nhiều phụ gia, chất bảo quản, đường, muối...
Kiểm tra nhãn thực phẩm: Danh sách thành phần càng dài thì thực phẩm càng được chế biến nhiều. Nếu hầu hết các thành phần đều là những hóa chất khó phát âm thay vì là thực phẩm thực tế thì có thể chắc chắn rằng thực phẩm đó đã được chế biến kỹ lưỡng.
Lựa chọn các thực phẩm tươi sống, được chế biến tối thiểu: Thay vì lựa chọn các thực phẩm đã qua nhiều bước chế biến, ăn liền như: bánh ngọt, mì tôm, pizza, gà rán, thịt nguội, xúc xích… bạn nên chọn mua thực phẩm tươi sống và ít qua chế biến nhất như thịt, cá còn tươi, ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, ngũ cốc nguyên hạt, rau quả mới thu hoạch…
Ưu tiên sử dụng thực phẩm chứa đường tự nhiên: Khi mua sản phẩm nên đọc kỹ nhãn hiệu và thành phần dinh dưỡng. Hạn chế tối đa sử dụng những thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều đường bổ sung như nước ngọt có gas, bánh mứt, si rô, nước trái cây đóng hộp… Thay vào đó hãy ưu tiên đường từ trái cây hoặc các nguồn tự nhiên khác như rau củ.