Người thầy 40 năm “nặng nợ” với từng giọt máu cứu người

 (GDVN) - Thầy được xem là “cha đẻ” của chương trình Hiến máu tình nguyện ở Việt Nam với mong ước “một giọt máu cho đi là thắp lên bao hy vọng cho những phận người”.

Dù đã ngoài 77 tuổi nhưng thầy thuốc nhân dân, nhà giáo Nguyễn Ngọc Minh vẫn một lòng tận tụy với nền y học nước nhà. Ngày ngày truyền đạt y đức, đào tạo những bác sĩ giỏi nghề, sắc son một lời thề Hippocrates.

Nỗi đau trước những cái chết vì thiếu máu

Gần ba mươi năm trôi qua, nhưng ký ức buồn về cái chết của hai mẹ con sản phụ trẻ cứ ám ảnh trong tâm trí người thầy thuốc. Ánh mắt rưng rưng, đỏ hoe không che được những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má đã nhăn nheo, đầy vết chân chim.

undefined

PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh được xem là "cha đẻ" của chương trình hiến máu nhân đạo ở Việt Nam. Ảnh: An Nguyên

Thầy kể lại, ông từng chứng kiến một ca phẩu thuật lấy thai cho một thai phụ đã đến kỳ sinh nở. Ca phẫu thuật hết sức đơn giản, những tưởng không có gì phức tạp.

Nhưng rồi xuất hiện một tình huống ngoài dự tính, sản phụ bị mất nhiều máu, cần truyền máu gấp. Cả bệnh viện như ngồi trên đống lửa vì không có nguồn máu dự trữ. Các bác sĩ, y tá liên hệ với nhiều nguồn, tìm đủ mọi cách để cứu hai sinh mạng đang trong tình cảnh thập tử nhất sinh.

“Chỉ vì thiếu máu mà chúng tôi đã mất hai mẹ con cô ấy. Suốt mấy chục năm qua, tôi chưa thể nào quên hình ảnh hôm ấy” thầy Minh xúc động nói. Hình ảnh đó như vết dao sắc cứa vào tâm can người bác sỹ.

Nhiều đêm trăn trở bên giường bệnh nhân, ông tự hỏi: “sao lại không tạo ra một nguồn máu dự trữ cho bệnh nhân?”.

"Hồi đó, nền y học nước ta còn lạc hậu. Tất cả nguồn máu đều phụ thuộc vào đội ngũ bán máu chuyên nghiệp. Nhiều bệnh nhân đã không qua khỏi do thiếu máu truyền" ông cho biết.

Đầu những năm 90, thầy Minh có cơ hội đi tu nghiệp ở các nước có nền y học tiên tiến như: Mỹ, Pháp, Hà Lan, Anh... Những lần gặp gỡ, giao lưu với các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới đã để lại trong thầy nhiều ý tưởng, dự tính cho nền huyết học nước nhà.

“Ngày ấy, nhiều nước đã có chương trình hiến máu nhân đạo, giúp cho hàng triệu người thoát khỏi nguy cơ tử vong. Đây là một chương trình đầy tính nhân văn mà Việt Nam cần phải có”.

Mang ý tưởng ấy về nước, thầy đã cùng các thành viên trong Hội chữ thập đỏ Việt Nam sáng lập nên chương trình hiến máu tình nguyện.

“Những ngày đầu, không ai dám đến hiến máu vì họ lo sợ bị bệnh, sức khỏe giảm sút, sẽ ốm đau... Chúng tôi phải gõ cửa từng cơ quan, từng trường đại học, thuyết phục từng người dân, sinh viên để họ hiểu ý nghĩa của việc hiến máu”.

Lăn lộn với từng cán bộ chữ thập đỏ khắp các ngang cùng ngõ hẻm, đến đâu thầy cũng chỉ cho mọi người ý nghĩa của việc hiến máu cứu người.

“Hiến máu không gây phát sinh bệnh tật gì cả, mà một giọt máu cho đi là thắp lên bao hy vọng cứu sống bệnh nhân” thầy Minh chia sẻ.

Rồi những ngày nhọc nhằn, vất vả cũng qua, chương trình hiến máu nhân đạo được nhân dân cả nước đón nhận. Mọi người đều chung tay, chia sẽ từng giọt máu để cứu người.

Truyền nhiệt huyết cho sinh viên

Dù được phong hàm giáo sư từ năm 1991, trải qua nhiều chức vụ tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Ủy viên thường trực hội huyết học thể nghiệm quốc tế... nhưng khi gặp chúng tôi, thầy chỉ cười nói: “Cuộc đời tôi có vinh dự được nhận hai chữ thầy là thầy thuốc và thầy giáo. Nghề nào với tôi cũng đáng trân trọng và tự hào. Tôi đã sống hết mình vì hai chữ thầy ấy”.

Sau nhiều năm giảng dạy và xây dựng Khoa Huyết học truyền máu (Đại học Y dược Huế), năm 2008, thầy chuyển về giảng dạy tại Khoa Y – Dược – Điều dưỡng của Trường Đại học Duy Tân.

Trong sự nghiệp trồng người của mình, thầy luôn tâm niệm rằng, người học y thì cái tâm phải đặt lên hàng đầu.

Nghề y là nghề phục vụ cho những người ‘đặc biệt’, đó là người bệnh, người đau ốm, có khi cận kề cái chết. Bác sĩ hay y tá, điều dưỡng chăm sóc cho họ phải bằng tình thương, sự quan tâm thì mới làm tròn bổn phận của mình” thầy nói.

Trong những giờ giảng của mình, ngoài việc truyền thụ kiến thức y khoa, thầy nhắc nhở học trò phải có tính cẩn thận, tỉ mỉ và sự nhân từ.

“Nghề nào có thể xảy ra sai sót nhưng nghề y thì không được sai, dù chỉ một li. Các bạn sinh viên y khoa phải tự rèn cho mình tính cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng vết mổ, vết khâu”.

Thầy nói tiếp, bác sĩ cũng phải học cách cảm nhận nỗi đau của người bệnh để rồi có sự chia sẻ, yêu thương. Hãy xem họ như những người thân ruột thịt của mình để tận lực cứu chữa.

Khi nói về thầy, nhiều sinh viên không giấu niềm tự hào vì được là “học trò của thầy Minh”.

Tự hào bởi người thầy dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn miệt mài bên những công trình y khoa “đẳng cấp quốc tế”. Hơn 100 công trình nghiên cứu của thầy đã được công bố rộng rãi trong và ngoài nước.

AN NGUYÊN

14/12/16