THẠCH TÍN (ARSEN): HỮU CƠ, VÔ CƠ VÀ TÁC HẠI
TS.BS Trần Bá Thoại Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM
Lời bàn Chiều 17/10, tại Hà Nội, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) và Liên Hiệp hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, gây “sốc” khi công bố kết quả khảo sát hàm lượng thạch tín trong nước mắm. Theo thông báo, 101/150 mẫu nước mắm ( 67,33%) vượt mức cho phép (trong các mẫu đều trên 1,0mg/L đến 5 mg/L so với ngưỡng 1.0 mg/L).
Điều đáng nói là họ đưa ra hàm lượng thạch tín “tổng”, bao hàm cả hữu cơ lẫn vô cơ, không có giá trị gì để đánh giá chất lượng, độ nhiễm bẩn của nước mắm cả !!!
Định danh hai loại thạch tín
1. Thạch tín vô cơ
Là nguyên tử arsen (As) ở dạng kim loại, tinh khiết, hoặc trong các hợp chất arsen không liên kết với gốc carbon (C) như trong triclorua arsen (AsCl3). Hai loại thạch tín vô cơ chính là arsenite và arsenate, cả hai đều độc hại và là chất gây ung thư.
2. Thạch tín hữu cơ
Là hợp chất hữu cơ có chứa nguyên tử arsen, như acid 4-hydroxy-3-nitrobenzenearsonic
Hai loại thạch tín hữu cơ thường được tìm thấy trong hải sản và được gọi là “thạch tín cá” (fish arsenic) là aresenobetaine và arsenocholine. Thạch tín arsenocholine độc hơn arsenobetaine, nhưng nói chung đều là tương đối an toàn cho con người. Hai thạch tín hữu cơ khác là monomethylarsonic acid (MMA) and dimethylarsinic acid (DMA) thường được tìm thấy trong trái cây, rau và ngũ cốc.
Theo Hiệp hội Ung thư (American Cancer Society, ACS), Cơ quan Bảo vệ Môi sinh (Environmental Protection Agency, EPA) và Trung tâm kiểm soát bệnh (Control Disease Center, CDC) Hoa Kỳ, thì các thạch tín hữu cơ không được phân loại là chất gây ung thư sau nhiều thập kỷ nghiên cứu.
Theo Cơ quan Kiểm soát Thực và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), các hợp chất thạch tín hữu cơ có thể gây độc cho cơ thể chỉ sau khi nó chuyển thành dạng thạch tín vô cơ. Do đó nói chung tất cả các hợp chất asen là đều có xu hướng gây độc với mức độ khác nhau.
Nguồn thạch tín gây ô nhiễm
Thạch tín là thành phần tự nhiên của vỏ trái đất và được phân bố rộng khắp môi trường không khí, nước và đất. Con người phơi nhiễm thạch tín vô cơ qua nước uống, thức ăn bị ô nhiễm, hít thở khói bụi, xăng xe, hóa chất, hút thuốc lá…..Phơi nhiễm thạch tín mãn tính gây nhiều tổn thương và ung thư da rất đặc trưng.
Những độc tính của thạch tín
Nhiễm độc thạch tín cấp gây nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy. Sau đó tê và ngứa da và các chi, chuột rút cơ bắp và chết trong trường hợp nặng.
Tiếp xúc thạch tín lâu dài gây tổn thương da như thay đổi sắc tố, sừng hóa lòng bàn tay, bàn chân …lâu dài gây ung thư da. Ngoài ung thư da, thạch tín còn có thể gây ra ung thư bàng quang và phổi. Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) đã phân loại các hợp chất thạch tín, đặc biệt nhiễm thạch tín trong nước uống là gây ung thư cho con người.
Phơi nhiễm thạch tín lâu dài còn gây các bệnh lý thần kinh, đái tháo đường, bệnh phổi và bệnh tim mạch. nhồi máu cơ tim, bệnh lý thai phụ và sơ sinh.
Đôi điều bàn luận
Việc VINASTAS vội vàng đưa ra kết quả hàm lượng thạch tín trong nức mắm khiến chung ta liên tưởng đến thông tin Bưởi gây ra ung thư vú cách đây hơn 10 năm. Năm 2007, dẫn theo tin của BBC News và Báo Daily Mail đưa cảnh báo “Phụ nữ ăn nhiều bưởi sẽ có nguy cơ bị ung thư vú”, nhiều báo trong nước nhanh nhẫu đăng lại thông tin này mà không kiểm chứng không hỏi lại các nhà khoa học, dinh dưỡng học.
Hai sai lầm lớn khi trích đăng: (1) một là Trái bưởi trong bài là loại bưởi chùm (grapefruit) khác hẳn trái bưởi da xanh (pomelo) của chúng ta và (2) hai là Các bản tin đều dựa trên kết quả khảo sát, quan sát thống kê) bước đầu của hai trường đại học là Nam California và Hawaii (Mỹ) trên 50 ngàn phụ nữ ở lứa tuổi đã mãn kinh chứ không phải là kết quả nghiên cứu khoa học nhân quả (causation) và các nhà khoa học cũng cho rằng, cần phải có thêm những nghiên cứu để khẳng định những điều nói trên.
Nghe đâu, sau đó Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt vi phạm hành chính với các cơ quan báo chí đã đăng thông tin “lá cải” gây thiệt hại vật chất cho người trồng bưởi trong nước. Mức phạt báo Khuyến học và Dân trí là 15 triệu đồng; báo Thanh niên 14 triệu đồng; công ty Netnam 13 triệu đồng; báo Khoa học phổ thông 12 triệu đồng.
Hy vọng lần này phải phạt tiền và khiển trách cao hơn.
THAM KHẢO
[1] What are the differences between organic and inorganic arsenic?
https://www.quora.com/What-are-the-differences-between-organic-and-inorganic-arsenic
[2] Arsenic
http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs372/en/
[3] Hoang mang nước mắm nhiễm asen độc hay không độc?
http://dantri.com.vn/suc-khoe/hoang-mang-nuoc-mam-nhiem-asen-doc-hay-khong-doc-20161018155810954.htm
[4] Hơn 67% nước mắm được khảo sát có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng
[5] Phụ nữ sẽ bị ung thư vú vì ăn bưởi?
http://thanhnien.vn/suc-khoe/phu-nu-se-bi-ung-thu-vu-vi-an-buoi-173283.html
[6]Bưởi không gây ung thư vú
http://www.ykhoa.net/binhluan/nguyenvantuan/buoi_ungthuvu.htm
[7]Xử phạt các báo đăng tin ‘ăn nhiều bưởi bị ung thư’
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/xu-phat-cac-bao-dang-tin-an-nhieu-buoi-bi-ung-thu-2094510.html